Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Thí điểm mô hình mới: “Tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng”
[ Cập nhật vào ngày (17/11/2017) ] - [ Số lần xem: 6357 ]
Nhân viên tiếp cận cộng đồng đang thực hiện xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay bằng test “đôi” HIV và giang mai.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng đang thực hiện xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay bằng test “đôi” HIV và giang mai.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, TP Cần Thơ triển khai dịch vụ “Tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng”. Với mô hình này, người sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng sẽ được nhân viên tiếp cận cộng đồng cung cấp dịch vụ, không phải đến cơ sở y tế, được bảo mật thông tin cá nhân và được thực hiện miễn phí.

* Nhanh, thuận tiện

Theo WHO, “Tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng” cần được xem như một cách tiếp cận mới cho dịch vụ xét nghiệm HIV; đồng thời, tăng cường tư vấn và hỗ trợ thông báo cho bạn tình góp phần gia tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV cho nhóm có nguy cơ cao, nếu có phản ứng với HIV thì được chuyển tiếp xét nghiệm khẳng định HIV dương tính và được tiếp cận điều trị ARV sớm. Người sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng được bảo vệ bởi nguyên tắc 5C của WHO: Sự đồng thuận, Bảo mật, Tư vấn, Kết quả chính xác, và Kết nối chuyển gửi (liên kết với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị).

TRIEN KHAI TU XET NGHIEM HIV - BS NAM 1 - 0002.jpg

Nhân viên tiếp cận cộng đồng hướng dẫn khách hàng xét nghiệm HIV dịch miệng bằng que thử OraQuick.

Từ tháng 02/2017, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã triển khai dịch vụ “Tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng” dưới sự hỗ trợ của WHO; Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Quỹ toàn cầu. Mô hình thí điểm này ưu tiên cho nhóm có nguy cơ cao như MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và phụ nữ mại dâm đường phố (PNMD) để phát hiện sớm nhiễm HIV và điều trị ARV ngay. Điều trị sớm, cải thiện sức khỏe và dự phòng lây nhiễm cho người khác.

Một khách hàng là sinh viên đến tham gia buổi truyền thông quảng bá dịch vụ xét nghiệm và tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng tổ chức ở Khách sạn Á Châu cuối tháng 3/2017, cho biết: "Bạn em là tình nguyện viên trong nhóm MSM, rủ em tham gia sự kiện này. Qua tư vấn, em nhận thấy mình có các hành vi nguy cơ nên quyết định làm xét nghiệm. Em được tư vấn kỹ nên đã chuẩn bị tâm lý nhận kết quả". Anh N., một khách hàng sử dụng dịch vụ này, cho biết: "Tôi làm việc giờ hành chánh, nếu đến cơ sở y tế xét nghiệm rất mất thời gian, còn phải xin nghỉ làm. Tôi thấy dịch vụ này rất thuận tiện, hiệu quả, thân thiện; kết quả nhanh và rất đáng tin cậy. Biết tình trạng sức khỏe sớm, việc điều trị tốt hơn".

Theo chị L.T.P, đại diện nhóm tiếp cận cộng đồng nhóm PNMD cho biết: Khi tuyên truyền dịch vụ tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng, chị em rất thích vì tính an toàn, bảo mật cao. Khi chị em có nhu cầu, chị P. sẵn sàng đến nhà để tư vấn, làm xét nghiệm. Chị P. khẳng định: "Nguyên tắc phải tuyệt đối bảo mật kết quả cho khách hàng. Nếu kết quả xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV dương tính, khách hàng sẽ được điều trị ngay bằng thuốc kháng vi-rút (ARV)". Anh N.Q.P, đại diện nhóm MSM cũng cho biết, để quảng bá về dịch vụ này, nhóm còn tổ chức các buổi truyền thông nhóm nhỏ cho khách hàng tại các quán cà phê. Nhóm thực hiện tốt hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV và thông báo kết quả với khách hàng. Nếu kết quả có phản ứng, hướng dẫn khách hàng đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ để làm xét nghiệm khẳng định và sớm được điều trị.

* Triển khai kỹ thuật xét nghiệm HIV mới

Hiện nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ triển khai 3 xét nghiệm mới trong xét nghiệm và tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng: (test nhanh) giang mai; Test “đôi” HIV, giang mai và Test dịch miệng.

Với một xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay bằng test “đôi”, phát hiện đồng thời kháng thể kháng HIV và Syphilis (giang mai). Xét nghiệm này không cần làm ở cơ sở y tế mà có thể làm tại cộng đồng do nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện hay hướng dẫn khách hàng tự thực hiện và đọc kết quả. Kết quả có sau khi lấy máu đầu ngón tay từ 5-20 phút. Ngoài ra, cũng là xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, khách hàng có thể không làm xét nghiệm HIV mà chỉ làm test “đơn” giang mai. Theo báo cáo của WHO, HIV và giang mai đều lây qua quan hệ tình dục không an toàn, lây qua đường máu (chủ yếu đối với HIV do dùng chung dụng cụ tiêm chích) và lây từ mẹ sang con. Người có nguy cơ cao cần xét nghiệm định kỳ HIV và giang mai, biết được tình trạng bệnh để điều trị.

TRIEN KHAI TU XET NGHIEM HIV - BS NAM 1 - 0003.jpg

Một que thử OraQuick có kết quả “không phản ứng” (một vạch cạnh chữ “C” và không có vạch nào cạnh chữ “T”).

Theo bác sĩ Võ Thị Năm, Trưởng khoa Truyền thông và Can thiệp cộng đồng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, xét nghiệm giang mai bằng test nhanh có kết quả dương tính có nghĩa là khách hàng đang mắc bệnh giang mai hoặc đã bị nhưng đã được điều trị. Vì thế cần xét nghiệm thêm để xác định giang mai tiến triển và điều trị. Với xét nghiệm HIV, nếu kết quả có phản ứng, nhân viên tiếp cận cộng đồng sẽ tư vấn khách hàng đến phòng xét nghiệm khẳng định (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ) để làm tiếp các xét nghiệm khẳng định. “Kết quả “không phản ứng” có nghĩa là: xét nghiệm này khẳng định từ 3 tháng trở về trước bạn chưa bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, xét nghiệm này không khẳng định tình trạng nhiễm HIV của bạn trong vòng 3 tháng qua. Bạn nên xét nghiệm định kỳ HIV 6 tháng 1 lần. Nếu bạn có hành vi nguy cơ trong vòng 3 tháng qua (thời kỳ cửa sổ), cần xét nghiệm lại sau 3 tháng”. Cũng theo bác sĩ Võ Thị Năm, khi phát hiện khách hàng bị giang mai, trung tâm sẽ tư vấn khách hàng đến Bệnh viện Da Liễu TP Cần Thơ để tiếp tục chẩn đoán, điều trị.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 7/2017, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ phối hợp với WHO tổ chức lớp tập huấn triển khai xét nghiệm HIV dịch miệng bằng que thử OraQuick. Theo đại diện WHO, test dịch miệng có ưu điểm là độ chính xác cao, độ nhạy 99,3%-99,6%, độ đặc hiệu 99,8%-100%. Anh P., nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm MSM cho biết: “Test dịch miệng dễ sử dụng do không phải lấy máu. Đơn giản dùng que thử (đầu phết mẫu) ấn vào vùng nướu răng và quẹt dọc nướu hàm trên của bạn một lần. Sau đó, quẹt dọc nướu hàm dưới của bạn một lần rồi cắm vào ống đựng dung dịch đệm, chờ 20 phút, đọc kết quả. Nếu chỉ có một vạch cạnh chữ “C” và không có vạch nào cạnh chữ “T”, kết quả là “không phản ứng”. Nếu xuất hiện hai vạch, dù có một vạch mờ, kết quả là “có phản ứng” thì cần làm thêm xét nghiệm để khẳng định. Trước khi làm xét nghiệm, khách hàng không ăn uống hoặc nhai kẹo cao su trước khi làm xét nghiệm ít nhất 15 phút, không đánh răng hoặc dùng nước súc miệng trước khi làm xét nghiệm ít nhất 30 phút”.

Việc triển khai “Tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng” có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của những người có hành vi nguy cơ cao còn e ngại khi đến làm xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Việc thực hiện mô hình xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm là bước quan trọng góp phần đạt được mục tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình. Sau 2 năm thí điểm, cuối năm 2017, Bộ Y tế sẽ dựa trên những kết quả thí điểm, rút ra bài học kinh nghiệm để đề xuất nhân rộng toàn quốc.

Bài, ảnh: Kim Nhiên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập