Năm 2016, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ phát hiện 1.502
trường hợp mắc lao mới, trong đó có 169 trường hợp mắc lao lại; số mắc lao mới tăng
so với năm 2015 tính theo tỷ lệ người mắc lao mới trên 100.000 dân. Trong khoảng
thời gian từ 2010 – 2014, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi điều trị cho 165 trường hợp
mắc lao đa kháng thuốc tại Cần Thơ và 156 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc từ
các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển đến. Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh
phổi TP Cần Thơ cũng đang quản lý và điều trị cho 56 người mắc lao đa kháng thuốc;
ngoài ra còn hỗ trợ các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long điều trị 178 trường
hợp mắc lao đa kháng thuốc.
Chương trình chống lao quốc gia được Bệnh viện Lao và Bệnh
phổi TP Cần Thơ thực hiện trong nhiều năm qua đã góp phần khống chế bệnh lao ở
Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ âm hóa đờm, điều trị khỏi bệnh
lao phổi ở Cần Thơ hằng năm luôn đạt trên 90%.

Kỹ thuật xét nghiệm soi trực tiếp tìm vi khuẩn lao
đang được thực hiện tại BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.
Theo một báo cáo của tổ chức USAID Việt Nam, hiện nay bệnh
lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam. Hằng năm, ước
tính có 17.000 trường hợp tử vong do lao tại Việt Nam; có khoảng 180.000 người
có bệnh lao hoạt động, trong đó có 5.000 trường hợp được xác định nhiễm lao đa kháng
thuốc. Tại Cần Thơ, năm 2016, các quận, huyện phát hiện 1.502 trường hợp mắc
lao phổi mới, trong đó có 169 trường hợp tái trị, tăng so cùng kỳ; trong đó thu
dung điều trị 1.388 trường hợp. Năm 2016 thành phố Cần Thơ có 56 trường hợp được
phát hiện và điều trị lao đa kháng thuốc. Các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu
Long như An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu cũng gởi đến 178 trường hợp lao đa kháng
thuốc để điều trị nội trú ban đầu từ bệnh viện.
Xây dựng mạng lưới phát hiện, quản lý và điều trị lao
Để phòng chống lao hiệu quả, nhiều năm qua, Bệnh viện Lao và
Bệnh phổi thành phố coi trọng việc xây dựng mạng lưới phòng, chống lao ở tuyến
quận, huyện. Bệnh viện hình thành tổ chỉ đạo tuyến gồm 10 thành viên; hằng năm
tổ chỉ đạo tuyến đều tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, cập nhật kiến thức
cũng như trực tiếp hướng dẫn thực hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho
cán bộ y tế của tổ lao tuyến cơ sở. Không chỉ các Trung tâm Y tế quận, huyện mà
tất cả các trạm y tế đều có cán bộ quản lý lao.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện đều có phòng khám lao và xét
nghiệm đàm, được trang bị các thiết bị phù hợp, nhân viên được tập huấn chuyên
môn và có giấy chứng nhận an toàn sinh học. Do vậy, cán bộ y tế tuyến quận, huyện
là những người đầu tiên phát hiện và được thu nhận điều trị. Đối với các trường
hợp nghi ngờ lao kháng thuốc họ sẽ gửi mẫu hoặc giới thiệu người bệnh đến Bệnh
viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ xét
nghiệm lại để khẳng định kết quả cuối cùng. Người bệnh, nếu là lao đa kháng thuốc,
sẽ được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tới khi ổn định thì được chuyển
về cho trạm y tế phường, xã và Trung tâm Y tế quận, huyện, để được quản lý và
điều trị tiếp theo phác đồ.
Năm 2016, các quận, huyện cũng đã tiếp tục triển khai quy
trình phối hợp y tế công - tư nhằm tăng thêm khả năng phát hiện lao tại cộng đồng
thông qua các nhà thuốc, phòng khám tư; thu dung và điều trị lao/HIV. Đặc biệt,
các quận, huyện đã tổ chức thực hiện quản lý, tư vấn và các biện pháp dự phòng
cho khoảng 190 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ do sống chung với nguồn lây.
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến để phát hiện sớm bệnh lao
Để bệnh lao dần được kiểm soát và thanh toán, điều quan trọng
là phát hiện được nhiều nhất số người mắc lao trong cộng đồng và điều trị khỏi
cho họ để giảm dần nguồn lây nhiễm. Từ soi đàm trực tiếp để phát hiện vi khuẩn
lao, những năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã ứng dụng kỹ thuật
PCR đạt hiệu quả phát hiện vi khuẩn lao cao hơn; cùng lúc là kỹ thuật Gene
Xpert MTB/ RIF, một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, mang tính đột phá, cho
kết quả nhanh, đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có
nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc Rifamycin hay không.
Trước đây, bệnh viện chỉ nuôi cấy vi khuẩn, sau đó gửi mẫu bệnh
phẩm lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – TP Hồ Chí Minh để làm kháng sinh đồ, một
phương pháp được sử dụng để xác định loại kháng sinh còn nhạy với vi khuẩn gây
bệnh và mức độ nhạy của kháng sinh đối với vi khuẩn đó. Nhưng từ tháng 12 năm
2016, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP CầnThơ, với sự giúp đỡ của Bệnh viện Phổi Trung
ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đã có khả năng nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng
sinh đồ trong môi trường lỏng đối với thuốc kháng lao hạng 1. Vừa qua, Bệnh viện
Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã chứng tỏ được năng lực phát hiện lao hiệu quả,
nhanh và chính xác qua đánh giá của Bệnh viện Phổi Trung ương khi tham gia hoạt
động ngoại kiểm nuôi cấy và làm kháng sinh đồ đối với 30 chủng vi khuẩn lao.
Với việc áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm mới, kết quả chẩn
đoán được xác định sớm hơn và như vậy nâng cao được hiệu quả điều trị bệnh. Với
những bệnh có khả năng lây nhiễm thì việc điều trị bệnh hiệu quả còn góp phần hạn
chế được nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.
Phát hiện bệnh sớm, tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị
Bác sĩ CKI Huỳnh Văn Thanh, Trưởng khoa Lao kháng đa thuốc của
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, cho biết: Do Việt Nam là một đất nước
đang phát triển, ô nhiễm môi trường xảy ra chưa được kiểm soát tốt, nhiều nơi
người dân xả rác bừa bãi, khạc nhổ tùy ý, tình trạng di dân lao động từ nơi này
sang nơi khác, từ nước này sang nước kia; người bệnh không tuân thủ đúng phác đồ
điều trị, tự ý ngưng thuốc, giảm liều; vi khuẩn lao tự biến đổi để tồn tại...
đã khiến bệnh lao phát triển, lây lan, thậm chí xảy ra các trường hợp lao kháng
thuốc, lao siêu kháng thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị. Vì vậy để phòng
tránh bệnh lao hiệu quả, khi mọi người có các yếu tố nghi ngờ nên đến ngay các
cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm bệnh và điều trị. Người thân bệnh nhân
lao tiếp xúc với nguồn lây cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm vi khuẫn
lao. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị.