Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố
[ Cập nhật vào ngày (16/09/2017) ] - [ Số lần xem: 1832 ]
Thầy thuốc Nhân dân - BS.CKII Nguyễn Trung Nghĩa (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại Chợ đêm Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Thầy thuốc Nhân dân - BS.CKII Nguyễn Trung Nghĩa (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại Chợ đêm Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Thức ăn đường phố (TĂĐP) từ lâu đã trở thành nhu cầu của người dân, nhất là ở các thành phố lớn. Các loại TĂĐP đa phần là không hợp vệ sinh, không mang lại giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Vì vậy, công tác quản lý về việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) TĂĐP được ngành Y tế TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm.

BAI THUC AN DUONG PHO 1_0145.jpg

Thức ăn đường phố được trưng bày.

* Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền

Thời gian qua, ngành Y tế TP Cần Thơ nhận được sự chỉ đạo sâu sát về vấn đề ATTP từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, ngành cũng nhận được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp của ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và địa phương đã triển khai một cách hiệu quả. Phối hợp tốt với các quận/huyện rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các sơ sở kinh doanh TĂĐP nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Công tác thanh kiểm tra đồng bộ, kiên quyết xử lý, nhắc nhở kịp thời các trường hợp vi phạm.

Công tác thanh kiểm tra liên ngành được thực hiện ở cả 3 cấp cả liên ngành lẫn chuyên ngành, kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất, việc xử phạt các hành vi vi phạm được tăng cường. Từ năm 2016 đến nay, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Đảm bảo ATTP trong tất cả các sự kiện, lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố.

Tính đến tháng 6/2017, trên địa bàn TP Cần Thơ, có 1.876 cơ sở kinh doanh TĂĐP được quản lý. Riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều, có 02 tụ điểm kinh doanh dưới dạng TĂĐP là: Mô hình tự quản trong kinh doanh TĂĐP tại phường Tân An và chợ đêm TĂĐP phường Cái Khế, tổng cộng là 262 lô, tất cả đều hoạt động vào ban đêm là chính. Hàng đêm, lượng người tiêu dùng đến ăn tại đây cũng khá lớn. Qua đó, tạo được công ăn việc làm cho rất nhiều hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc tập trung các cơ sở kinh doanh TĂĐP sẽ dễ dàng trong việc quản lý, thanh kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về các quy định an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở kinh doanh cũng thực hiện các quy định ATTP nghiêm túc hơn.

BAI THUC AN DUONG PHO 1_0154.jpg
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ đang test nhanh thực phẩm thức ăn đường phố.

Qua các đợt thanh kiểm tra, tuyên truyền về ATTP thì ý thức người dân cũng được nâng cao, thể hiện qua việc người dân quan tâm đến vấn đề chế biến, nguồn gốc và những vấn đề khác của thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Anh P.H.V. (ở quận Bình Thủy) chia sẻ: “Khi chọn mua thức ăn cho con, tôi có chú ý đến cơ sở có uy tín, chất lượng và nhiều người đến mua để đảm bảo sức khỏe cho bé”.

* Vẫn còn những thách thức…

Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh TĂĐP đa số nhỏ lẻ, thường xuyên thay đổi chủ và thay đổi loại hình kinh doanh, thời gian bày bán ngoài giờ hành chính... Điều này gây khó khăn rất nhiều trong việc hướng dẫn các cơ sở, tiếp cận đối tượng kinh doanh TĂĐP để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, thực hiện các quy trình về an toàn thực phẩm, cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trong công tác quản lý cũng gặp trở ngại như: cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến xã/phường còn kiêm nhiệm, chưa phối hợp thường xuyên trong công tác liên ngành mà chỉ tập trung vào những đợt cao điểm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của một bộ phận đối tượng kinh doanh TĂĐP còn chưa cao; TĂĐP đa số được sơ chế, chế biến sẵn ở một địa điểm khác và vận chuyển đến điểm kinh doanh, do đó kiểm tra, giám sát ATTP không thể kiểm soát hết được quá trình sơ chế, chế biến ban đầu cũng như quá trình vận chuyển mà chỉ kiểm tra, giám sát được khâu cuối tại điểm kinh doanh…

Theo báo cáo thực trạng ATTP đối với kinh doanh TĂĐP trên địa bàn thành phố của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, chủ cơ sở kinh doanh TĂĐP thường  là người dân lao động có thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp, thường không (hoặc ít) hiểu biết về việc đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. Các loại hình kinh doanh thường là tự phát nên không cần xin phép để được kinh doanh; không có địa chỉ kinh doanh cố định mà chủ yếu là ở lề đường, vỉa hè hay trước cửa nhà....; kết cấu hạ tầng kém, đường sá, vỉa hè nhiều bụi bặm. Có nơi còn để thực phẩm thấp so với chiều cao mặt bằng, (theo quy định, thức ăn phải được bày bán trên giá cao ít nhất là 60 cm); chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ như: thiếu găng tay, khẩu trang, nón, tạp dề…; nguồn nước dùng để uống, rửa chén dĩa không đảm bảo; thực phẩm không rõ nguồn gốc, chế biến thực phẩm và việc bảo quản thường khó kiểm soát. Dụng cụ chứa thức ăn không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy hay che đậy sơ sài. Một số loại hình TĂĐP lạ như: trà sữa tự làm, bánh mì nướng muối ớt, xoài lắc, bánh ống... thường bùng phát theo phong trào, rất khó có thể kiểm soát. Tâm lý của một số bộ phận người tiêu dùng còn chú trọng về mặt khẩu vị, sự tiện lợi, rẻ tiền, không gian thoải mái mà ít quan tâm đến khía cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Cần nhiều giải pháp

Trước những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý TĂĐP, BS.CKII Lưu Hoàng Việt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ đề xuất những giải pháp như: “Đầu tiên, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với TĂĐP như tổ chức cho các cơ sở kinh doanh TĂĐP trên toàn thành phố ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi trong cộng đồng để cho mọi người hiểu được lợi ích, hạn chế và những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của việc sử dụng TĂĐP và có sự chọn lựa thực phẩm tốt nhất. Đối với người kinh doanh TĂĐP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với ban ngành có liên quan tăng cường tập huấn về những quy định về ATTP, xác nhận kiến thức, tư vấn khám sức khỏe, tuân thủ điều kiện trong kinh doanh TĂĐP theo quy định của pháp luật. Cần có sự cam kết của chủ cơ sở kinh doanh TĂĐP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo thực phẩm chế biến có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản đúng quy định. Thứ ba, tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát. Trạm Y tế xã/phường/thị trấn tham mưu cho UBND để tổ chức, phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh TĂĐP, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Thứ tư, nhân rộng mô hình điểm về quản lý TĂĐP, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm mô hình điểm về quản lý ATTP đối với kinh doanh TĂĐP tại hai phường Tân An và Cái Khế (quận Ninh Kiều) và triển khai nhân rộng đối với các quận huyện còn lại.

Thầy thuốc Nhân dân – BS.CKII Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian tới, ngành Y tế thành phố tăng cường phối hợp với Viện Kinh tế Xã hội thực hiện nghiên cứu, xây dựng mô hình đảm bảo vệ sinh ATTP TĂĐP giai đoạn 2017-2018, nhằm giúp chúng ta có mô hình tốt nhân rộng ở các địa phương còn lại; phối hợp với Sở Công thương xây dựng thí điểm chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện quản lý tốt mô hình ATTP đã được UBND thành phố phê duyệt, đảm bảo cho công tác vệ sinh ATTP ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, ngành Y tế TP Cần Thơ cần tăng cường nguồn nhân lực, cán bộ chuyên trách ATTP; hỗ trợ test nhanh thực phẩm để phục vụ trong công tác kiểm tra; cần các nghiên cứu khoa học về mô hình quản lý về TĂĐP đạt hiệu quả cao hơn; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng quản lý, nâng cao trình độ về công tác thanh tra, kiểm tra.

TĂĐP luôn có sức hấp dẫn người tiêu dùng vì sự tiện lợi, nhanh chóng và giá cả hợp lý, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh đảm bảo ATTP; đồng thời, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức ATTP, tẩy chay những quán TĂĐP không đảm bảo điều kiện. Thông báo cho cơ quan quản lý phát hiện và xử lý kịp thời các quán TĂĐP không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện ATTP nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Song Vĩnh




Đường dây nóng




Số lượng truy cập