Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ: Triển khai kỹ thuật mới chẩn đoán nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ
[ Cập nhật vào ngày (21/09/2017) ] - [ Số lần xem: 1424 ]

Kể từ đầu tháng 09/2017, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ triển khai xét nghiệm chẩn đoán Liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ (GBS) bằng kỹ thuật Real-time PCR, đây là kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại, có độ chính xác cao hơn so với phương pháp nuôi cấy vi sinh thông thường và thời gian trả kết quả nhanh hơn.

Liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ là gì?

Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi mạnh mẽ. Khi hormone trong cơ thể thay đổi sẽ làm vi khuẩn, nấm dễ phát triển. Liên cầu khuẩn nhóm B là nhóm vi khuẩn phụ nữ mang thai có thể mắc và gây nên những tác hại khôn lường cho sức khỏe sinh sản.

Liên cầu nhóm B ở thai phụ (Group B streptococcus - GBS) là tên gọi của một loại vi khuẩn thường trú. Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) cư trú ở đường tiêu hóa và niệu - sinh dục trong khoảng 20-30% phụ nữ mang thai và được xem như một nguồn lây nhiễm chu sinh.

Liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ (GBS) có thể gây hại cho thai như: chuyển dạ sinh non, vỡ màng ối non, vỡ màng ối non ở thai non tháng, viêm màng ối, nhiễm trùng sơ sinh và thai. Với thai phụ, GBS cũng có thể gây nhiễm trùng tiểu, viêm đài bể thận, viêm nội mạc tử cung sau sinh, viêm xương tủy và viêm vú sau sinh. Mẹ bị nhiễm GBS có thể gây tử vong bằng cách gây ra nhiễm trùng đường sinh dục trên cuối cùng tiến đến nhiễm trùng huyết.

Tác hại Liên cầu khuẩn nhóm B đối với trẻ sơ sinh?

Liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ (GBS) được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng sơ sinh. Ở Hoa Kỳ, khoảng 16.000 trẻ sơ sinh có kết quả cấy máu dương tính với Liên cầu khuẩn nhóm B (0,4 trường hợp/1.000 cuộc đẻ) và 80 trường hợp tử vong hằng năm (tỷ lệ tử vong 5%).

Liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng ở sơ sinh:

1. Nhiễm trùng sơ sinh sớm xảy ra trong 7 ngày đầu sau sinh. Triệu chứng khởi phát sớm ở trẻ thường đa dạng, không điển hình như: suy hô hấp, ngưng thở, lơ mơ, hạ huyết áp và tỷ lệ tử vong cao.

2. Nhiễm trùng sơ sinh muộn xảy ra ở những trẻ từ 7 đến 90 ngày tuổi. Vi khuẩn có thể được lây trong quá trình sinh nở hay trong quá trình tiếp xúc với mẹ sau này, do sữa mẹ nhiễm GBS hay mẹ bị viêm tuyến vú do GBS. Viêm màng não là thể bệnh thường gặp nhất khi nhiễm Liên cầu khuẩn nhóm B. Trẻ có bệnh viêm màng não có thể để lại những hậu quả lâu dài như điếc, chậm phát triển về trí tuệ, tâm thần, vận động,...

Xét nghiệm được tiến hành khi nào?

Phương pháp xét nghiệm GBS Real-Time PCR là xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại có ưu điểm độ nhạy cao và thời gian trả kết quả ngắn (chỉ 48 giờ). Đây là xét nghiệm hứa hẹn thay thế phương pháp nuôi cấy truyền thống.

Xét nghiệm này tiến hành khi thai phụ có tuổi thai từ 35 tuần trở lên, chưa khởi phát chuyển dạ; đối với trẻ sơ sinh trong trường hợp có mẹ bị nhiễm GBS/ có biểu hiện nghi ngờ nhiễm GBS.

Thai phụ nhiễm GBS sẽ được các Bác sĩ hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng lây truyền mẹ - con trong quá trình sanh, giảm nguy cơ lây qua cho trẻ sơ sinh, tránh nguy cơ nhiễm trùng thậm chí tử vong có thể xảy ra nếu trẻ bị nhiễm GBS.

Xét nghiệm được tiến hành như thế nào?

Cách lấy mẫu ở thai phụ: Dùng 2 que tăm bông tiệt trùng: 1 que đưa vào 1/3 đoạn dưới âm đạo (xoay 2 vòng lên niêm mạc âm đạo); 1 que đưa vào trực tràng (xoay 2 vòng lên niêm mạc trực tràng).

Cách lấy mẫu ở trẻ sơ sinh: Dùng 1 que tăm bông tiệt trùng phết niêm mạc 4 vị trí theo lần lượt: họng, mũi, tai, hậu môn (quan trọng nhất là niêm mạc họng).

Các thai phụ và gia đình có thể tầm soát Liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ tại Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu hoặc Khoa Sanh - Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ (106 Cách Mạng Tháng Tám, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hoặc tư vấn qua số điện thoại 02923. 760. 706 và 02923. 730. 260. 

“Vì sức khỏe của trẻ thơ và hạnh phúc của gia đình, các thai phụ nên tầm soát GBS sớm để dự phòng lây nhiễm cho trẻ sơ sinh”

Tổ Công tác xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập