Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Hiệu quả và lợi ích thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
[ Cập nhật vào ngày (21/11/2017) ] - [ Số lần xem: 904 ]
Cán bộ y tế tư vấn cho phụ nữ mang thai về lợi ích của tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện.
Cán bộ y tế tư vấn cho phụ nữ mang thai về lợi ích của tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (gọi tắt DPLTMC) là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25-40%; nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%.

Nhiều năm qua, ngành Y tế TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều hoạt động về can thiệp dự phòng nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con như: tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai (PNMT) tại 100% xã/phường; cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tư vấn nuôi dưỡng trẻ sau sinh, cung cấp sữa ăn thay thế… Chương trình đã giúp PNMT dần nâng cao nhận thức, hiểu biết về HIV, quan tâm thực hiện các biện pháp dự phòng, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

phong lay truyen me con_TVXN05.jpg

Phụ nữ mang thai được cán bộ y tế khám thai tại trạm y tế phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Chương trình được bắt đầu thực hiện vào năm 2008 với việc triển khai tư vấn xét nghiệm (TVXN) HIV cho PNMT tại 7 phường của quận Cái Răng. Đến nay, chương trình DPLTMC đã được triển khai toàn diện đến 100% xã/phường của thành phố Cần Thơ. Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã trở thành hoạt động thường xuyên trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS từ nhiều năm nay. Chương trình được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống sức khỏe sinh sản và hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại y tế tuyến cơ sở, giúp cho PNMT được tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi, đồng thời cũng đảm bảo được tính liên tục trong việc điều trị, quản lý sức khỏe của thai phụ, đảm bảo trên 95% PNMT trên địa bàn được xét nghiệm HIV sớm và điều trị đầy đủ.

Sau hơn 8 năm triển khai và mở rộng, chương trình DPLTMC tại thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả mong muốn cả về chỉ tiêu và chất lượng chuyên môn, đặc biệt trong 4 năm gần đây: tỷ lệ PNMT được tư vấn xét nghiệm HIV duy trì trên 95% mỗi năm; tỷ lệ điều trị DPLTMC cho PNMT nhiễm HIV đạt trên 95% hàng năm và 100% trẻ sinh sống từ mẹ nhiễm HIV được điều trị DPLTMC và cấp sữa thay thế.

Tất cả những thành công đó đã đem lại những kết quả khả quan, làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV xuống còn 3% từ năm 2011 (so với mục tiêu đến năm 2015, thì chỉ tiêu này đã đạt trước thời hạn 4 năm) và đặc biệt hơn, trong năm 2012 và 2013, Cần Thơ không phát hiện trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV tham gia chương trình DPLTMC. Năm 2014, 2015 có 2 trường hợp trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ do mẹ phát hiện tình trạng nhiễm HIV muộn (trong giai đoạn chuyển dạ).

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, Cần Thơ đã làm xét nghiệm cho 7.291 PNMT (đạt 97,3%), phát hiện 14 trường hợp PNMT nhiễm HIV (trong đó có 7 trường hợp ngoài thành phố). Điều trị DPLTMC cho 34 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV; 31 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được uống thuốc dự phòng; 23 trẻ được làm xét nghiệm PCR tại Cần Thơ và chỉ có 2 trường hợp kết quả dương tính (do người mẹ trước đó không tham gia chương trình DPLTMC, trẻ phát hiện dương tính khi nhập viện, có nhiễm trùng cơ hội được bác sĩ chỉ định xét nghiệm). 

Nói về lợi ích của dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, BS.CKI Trường Quốc Chiến, Trưởng phòng Kế hoạch -Trung tâm sức khỏe sinh sản (CSSKSS) TP Cần Thơ cho biết: “Hầu hết các trường hợp nhiễm HIV ở trẻ em là do lây truyền từ người mẹ, các can thiệp y tế sớm về điều trị và dự phòng đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV có vai trò quan trọng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiến tới không còn trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Việc chủ động ở từng thời điểm mang thai để được can thiệp dự phòng toàn diện, hoàn toàn có thể sinh được đứa trẻ khỏe mạnh, không nhiễm HIV”.

Thông thường đối với phụ nữ mang thai hay người chưa biết đến tình trạng sức khỏe của mình để được tư vấn, lấy mẫu máu thường diễn ra ở các đơn vị y tế, việc xét nghiệm phải có thời gian. Tuy nhiên, việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV bằng phương thức lấy máu đầu ngón tay cho kết quả khá nhanh, người thử chỉ cần chờ trong khoảng 20-30 phút sẽ biết được kết quả đầu tiên. Độ chính xác của phương pháp này lên đến 99% và phương pháp này hiện được triển khai rộng rãi bắt đầu từ năm 2017 tới các trạm y tế, nhóm đồng đẳng, tiếp cận cộng đồng, tạo thuận tiện cho mọi người, nhất là phụ nữ trong thời kỳ mang thai dễ dàng tiếp cận.

Lợi ích từ phương pháp mới này không chỉ mở rộng việc tư vấn, xét nghiệm lấy mẫu máu tại tuyến xã, cộng đồng mà còn tạo điều kiện thuận tiện, giảm bớt thời gian chờ đợi, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, phát hiện kịp thời tình trạng sức khỏe, khả năng lây nhiễm HIV. Đồng thời, việc sử dụng phương pháp này sẽ tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai và con của họ.

Hiện nay, việc giám sát công tác DPLTMC đang được Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp chỉ đạo thường xuyên, trong 06 tháng đầu năm 2017 tổ chức giám sát 9/9 quận, huyện và tại Trung tâm CSSKSS, Bệnh viện Phụ sản thành phố.

Kết quả tại 9/9 quận, huyện đều thực hiện tốt việc triển khai hoạt động DPLTMC; chỉ đạo cho 100% TYT phường/xã thực hiện công tác TVXN HIV tự nguyện cho trên 95% bà mẹ mang thai, thực hiện đều tại các phường/xã.

Muốn sinh ra đứa con khỏe mạnh, phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, nếu có kết quả dương tính sẽ được chăm sóc và điều trị DPLTMC; trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được chăm sóc và điều trị thích hợp, nuôi dưỡng an toàn theo hướng dẫn của cán bộ y tế.   

DPLTMC là biện pháp hữu ích không chỉ phòng chống lây nhiễm HIV mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và con của họ có được sức khỏe tốt; góp phần vào công tác chăm sóc, bảo vệ thế hệ tương lai.

Đỗ Quyên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập