Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Nỗ lực nâng cao độ bao phủ bảo hiểm y tế
[ Cập nhật vào ngày (14/02/2019) ] - [ Số lần xem: 756 ]
Bệnh nhân có BHYT nhận thuốc khi đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng.
Bệnh nhân có BHYT nhận thuốc khi đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh quan trọng, nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng trong chi phí khám, chữa bệnh. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tận tình chu đáo bệnh nhân chính là biện pháp cốt lõi để tạo niềm tin cho người dân chủ động tham gia BHYT, từng bước tiến tới BHYT toàn dân.

* Tăng quyền lợi tham gia BHYT

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số cả nước, vì vậy việc tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHYT là rất quan trọng. Một trong những giải pháp giúp tăng độ bao phủ BHYT trên địa bàn là ngành Y tế Cần Thơ luôn quan tâm nâng cao chất lượng KCB, hướng đến sự hài lòng và mở rộng quyền lợi cho người dân; đặc biệt là người có thẻ BHYT.

BHYT trang 27-28_BHYT02.JPG

Bệnh nhi được các y bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh khi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT tại TP Cần Thơ đã có những chuyển biến tích cực, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT cũng tăng dần qua các năm. Cụ thể, trong năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn TP Cần Thơ là 958.411 người, chiếm 75,79% dân số (tăng 17,19% so với năm 2013). Năm 2017, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn thành phố là 1.035.968 người; đạt 81,39%, vượt 2,59% so với chỉ tiêu được giao là 78,8%. Năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 82,8%.

BS.CKII Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: “Người tham gia BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật BHYT: được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi để đăng ký KCB ban đầu. Người có thẻ BHYT khi KCB đúng nơi đăng ký thì sẽ được thanh toán từ 80 - 100% chi phí tùy từng đối tượng. Khi KCB không đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) mà có trình thẻ BHYT thì sẽ được thanh toán từ 40 - 60% khi điều trị nội trú”.

BHYT trang 27-28_BHYT03.JPG

Cộng tác viên tuyên truyền BHYT đến từng hộ gia đình.

Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện (BV) tuyến huyện đến khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm Y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn của tỉnh: được hưởng quyền lợi đúng tuyến KCB BHYT. Người có thẻ BHYT được đến KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến huyện (BV đa khoa quận/huyện và tương đương; Trung tâm Y tế quận/huyện; BV đa khoa tư nhân tương đương hạng III; Phòng khám đa khoa hạng III và tương đương): được hưởng quyền lợi đúng tuyến BHYT. Trường hợp cấp cứu:  Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB bệnh nào.

Tất cả các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt, ngộ độc... đều được hưởng quyền lợi khi cấp cứu hoặc KCB nếu có thẻ BHYT. Đặc biệt các trường hợp chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung thư, huyết học, tim mạch, chạy thận, các bệnh mãn tính... được quỹ BHYT thanh toán theo đúng Luật BHYT.

* Những điểm mới trong KCB BHYT năm 2018

Bác sĩ Lập cho biết, trong năm 2018 mức thu KCB tăng cao nên hầu hết người tham gia BHYT ít bị ảnh hưởng do hầu hết các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo.... được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB.

Từ ngày 01/12/2018, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định này có một số điểm mới như bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT. Cụ thể như: Không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở KCB. Người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở KCB tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định.

Hiện nay, toàn ngành Y tế có 26 đơn vị thực hiện khám ngày thứ bảy, chủ nhật; trong đó có 11 bệnh viện (BV) như: Đại học Y Dược Cần Thơ, BV 121, BV Nhi đồng, BV Quân Dân y, BV Y học cổ truyền, BV Ung bướu, Hoàn Mỹ Cửu Long, BV Phương Châu, BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ; 03 BV quận/huyện là Thốt Nốt, Thới Lai và Phong Điền; 04 Phòng khám đa khoa và 10 TYT của quận/huyện là Thốt Nốt và Phong Điền... tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người có thẻ BHYT đến khám bệnh, bước đầu nhận được sự ủng hộ của các địa phương và người dân. Kết quả trong năm thực hiện đáp ứng nhu cầu KCB của nhiều đối tượng như: công chức, viên chức, học sinh, sinh viên...

Trong năm 2019, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại và chỉ đạo các cơ sở KCB đảm bảo chất lượng KCB BHYT, cụ thể: Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT ban hành theo Quyết định số 3398/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND thành phố Cần Thơ. Ngành tiếp tục phối hợp BHXH, các sở ban ngành quận/huyện tăng cường công tác truyền thông về chính sách KCB BHYT tại đơn vị. Đồng thời giám sát công tác KCB BHYT. Phấn đấu đạt độ bao phủ BHYT năm 2019 là 86,2%.  

Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị tuyến dưới, chủ động triển khai thực hiện các kỹ thuật cao tiếp nhận từ tuyến trên. Điều động bác sĩ tuyến trên đến hỗ trợ TTYT Bình Thủy KCB; Hỗ trợ bác sĩ chuyên khoa mắt đến phẫu thuật các bệnh lý về mắt tại BVĐK quận Ô Môn và Thốt Nốt. Phối hợp với BHXH đảm bảo kết nối, chuyển dữ liệu KCB BHYT về cổng giám định BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong quản lý KCB nhất là việc thông tuyến KCB đảm bảo dữ liệu. Có kế hoạch giám sát, kiểm tra khắc phục các nguyên nhân gây vượt quỹ KCB BHYT, kiểm tra chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về KCB, quy định về chuyển tuyến, việc chỉ định xét nghiệm phù hợp, tăng cường bình bệnh án, đơn thuốc, đảm bảo an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tránh lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng chỉ dịnh thuốc, kiểm tra giám sát phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi quỹ BHYT… Ngành cũng tiếp tục chỉ đạo các cơ sở KCB nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ đổi mới phong cách làm việc hướng đến sự hài lòng người bệnh; nâng cao chất lượng KCB tại các tuyến, hạn chế chuyển tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị, hạn chế quá tải tuyến trên, đảm bảo công bằng trong KCB.

Bài, ảnh: Diệp Chi




Đường dây nóng




Số lượng truy cập