Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng tránh và điều trị hiệu quả bệnh quai bị
[ Cập nhật vào ngày (19/04/2017) ] - [ Số lần xem: 645 ]
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, tạo miễn dịch phòng chống bệnh quai bị cho trẻ. Ảnh: Thúy Duy.
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, tạo miễn dịch phòng chống bệnh quai bị cho trẻ. Ảnh: Thúy Duy.

Bệnh quai bị là loại bệnh lý về các tuyến nước bọt, gây ra bởi loại vi rút có tên là Paramyxovirus có ái tính với các tổ chức tuyến và thần kinh. Đây là loại bệnh thường gặp và chủ yếu tác động lên trẻ em có độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.

Bệnh quai bị thường hay xuất hiện nhiều vào mùa hè và cũng có thể xảy ra quanh năm vào những mùa thu, đông. Bệnh sẽ phát triển thành dịch ở những nơi ở tập thể đông như trường học, khu tập thể…

Nguyên nhân và biểu hiện

Một trong số các nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh quai bị chủ yếu là do bị nhiễm vi rút Paramyxovirus (vi rút quai bị) hoặc tiếp xúc với người bị quai bị: bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, đường nước bọt, qua đường ăn uống…

Biểu hiện của bệnh quai bị:

+ Khi mới nhiễm vi rút quai bị, bệnh nhân thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai (xuất hiện khoảng 1-2 ngày).

+ Bệnh nhân bị sốt cao 39 - 40 độ C trong 3-4 ngày, chảy nước bọt.

+ Một bên má (tuyến mai tai) bắt đầu sưng to, sau một hoặc vài ngày lan sang bên kia.

+ Chỗ sưng đau không tấy đỏ, da bóng lên, ấn không lún, không hóa mủ, họng hơi đỏ, lỗ ống Stenon hơi sưng tấy lên.

Bệnh quai bị có nhiều biến chứng nguy hiểm, ở nam giới có thể dẫn đến bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn. Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Còn ở nữ giới, có khoảng 7% ở phụ nữ sau tuổi dậy thì bị bệnh quai bị có biến chứng viêm buồng trứng. Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu. Ngoài ra, bệnh quai bị còn có các biến chứng khác như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ…

Xử trí và cách phòng tránh

Khi nghi bệnh quai bị, cần hạ sốt, hạ thân nhiệt cho bệnh nhân bằng khăn ấm. Người mắc bệnh nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để phòng tránh lây nhiễm. Chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc uống, thuốc bôi, đắp lên vùng bị sưng để tránh bị nhiễm độc. Cách ly người bệnh khoảng 2 tuần từ khi phát hiện bệnh. Kiêng nước lạnh, kiêng gió. Nghỉ ngơi, hạn chế vận động (đặc biệt là khi phát hiện tinh hoàn có hiện tượng sưng đau). Tăng cường vệ sinh răng miệng, uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng chuyên dụng. Như thế sẽ giảm tình trạng khô miệng và tránh để vi khuẩn có môi trường thuận lợi phát triển.

Người bị bệnh quai bị cần chú ý ăn các loại thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Không ăn đồ nếp, cá mè, cá chép. Ăn đa dạng các loại rau xanh và quả tươi giúp bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tăng khả năng miễn dịch.

Cần lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, không hạ sốt được hoặc thấy xuất hiện biến chứng cần sớm đưa đến bệnh viện để được điều trị.

Để phòng tránh bệnh và những biến chứng của bệnh quai bị, các cơ sở y tế cần tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng biết các dấu hiệu của bệnh, giáo dục cách phòng bệnh như: cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp. Khi có trẻ bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly 10 – 21 ngày (thường là 10 ngày) để tránh lây lan cho các cháu khác.

Hiện nay, tiêm phòng vắc xin quai bị là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất. Vắc xin quai bị là vắc xin sống giảm độc lực. Vắc xin có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các vắc xin  khác như vắc xin  tam liên MMR (Measles-mump-rubella) ngừa bệnh sởi, quai bị và Rubella.

* Khuyến cáo sử dụng vắc xin: Trẻ từ 12 đến 14 tháng tuổi nên được tiêm ngừa mũi vắc xin tam liên MMR, liều thứ hai nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi. Tiêm chủng quai bị rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, tạo miễn dịch phòng chống bệnh quai bị cho trẻ tuổi dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành. Phụ nữ có thai bị bệnh nếu có điều kiện tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu, dùng một liều duy nhất.

BS.CKI Trần Văn Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập