Thứ Năm, ngày 28-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới (24-30/4/2017): Để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, an toàn
[ Cập nhật vào ngày (24/04/2017) ] - [ Số lần xem: 1387 ]
Trẻ được tiêm ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Ảnh: Hương Giang
Trẻ được tiêm ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Ảnh: Hương Giang

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm chủng được xem là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, lợi ích của tiêm chủng có thể giúp ngăn chặn từ 2-3 triệu ca tử vong vì bệnh tật mỗi năm. Hiện nay, tiêm chủng không chỉ bảo vệ trẻ khỏi những bệnh đã có vắc xin từ nhiều năm trước như: bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi… mà còn phòng ngừa các căn bệnh viêm phổi, tiêu chảy do Rota vi rút, hai nguyên nhân gây tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nhân Tuần lễ tiêm chủng thế giới (24-30/4/2017), để đảm bảo cho trẻ được chủng ngừa đầy đủ và an toàn, BS Ngô Thanh Trọng - Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, có một vài lưu ý sau đây:

Nguyên tắc chung về an toàn tiêm chủng

Nguyên tắc chung về an toàn tiêm chủng nghĩa là an toàn cho đối tượng được tiêm, cho thầy thuốc và cho cả cộng đồng; riêng đối với y tế “an toàn tiêm chủng” về phần kỹ thuật, bắt buộc:

Đối với vắc xin: phải đảm bảo tuyệt đối an toàn từ giai đoạn sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tổ chức tại bàn tiêm cho đến khi vắc xin được tiêm cho đối tượng cần tiêm.

Đối với người thực hiện tiêm chủng: ngoài việc có chuyên môn về y tế, đảm bảo thuần thục các thao tác chuyên môn về thực hành y tế, còn phải được tập huấn thêm về thực hành an toàn tiêm chủng mới được tham gia tiêm chủng (như: vấn đề chuẩn bị vắc xin, sinh phẩm và các dụng cụ thiết yếu cần thiết cho buổi tiêm; khám kỹ đối tượng để loại trừ trường hợp có chống chỉ định và chỉ định phù hợp theo hướng dẫn sử dụng đối với từng loại vắc xin...). Khi thực hiện tiêm chủng, cần thực hành tuyệt đối an toàn các bước chuyên môn. Bên cạnh đó, hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh, người nhà đối tượng được tiêm biết sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh gì, cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm, theo dõi chăm sóc đối tượng được tiêm về nhà sau khi tiêm…

Đối với các bà mẹ, để chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng, cần lưu ý: Thứ nhất, trẻ phải hoàn toàn khỏe mạnh mới đưa đi tiêm chủng. Thứ hai, cần phải hiểu và nắm rõ tiền sử về tình trạng sức khỏe, tiền sử về bệnh tật và tiền sử về tiêm ngừa của trẻ. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mới đi tiêm lần đầu cần nắm rõ tình trạng sức khỏe của bà mẹ trong quá trình mang thai cho đến lúc sanh trẻ để cung cấp cho cán bộ y tế. Thứ ba, về dinh dưỡng, cho trẻ bú hoặc ăn nhẹ trước khi đến điểm tiêm chủng khoảng 30 phút hoặc 1 giờ, không nên cho trẻ bú quá no dễ khiến trẻ bị ọc sữa. Ngoài ra, các bà mẹ cũng nên tìm hiểu, tham khảo các thông tin về tiêm chủng, các bệnh cần tiêm phòng cho trẻ trong đợt tiêm này; có thể chuẩn bị một vài câu hỏi liên quan đến tiêm chủng để có thể hỏi thêm bác sĩ khi đưa trẻ đi tiêm chủng.

Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là điều hết sức quan trọng, do đó các bậc phụ huynh cũng nên nhớ lưu giữ sổ sức khỏe của trẻ cẩn thận, sử dụng một cuốn sổ dành riêng cho tiêm chủng, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh nhằm tránh nhầm lẫn, thất lạc; kiểm tra thường xuyên các mũi tiêm tiếp theo để tránh bỏ sót. Cha mẹ cũng có thể ghi chú những mũi tiêm nhắc cho trẻ trên lịch bàn, phô tô phiếu tiêm chủng, đặt nơi dễ nhớ, dễ quan sát để thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra và chuẩn bị mang theo mỗi khi khi đưa trẻ đi tiêm.

Theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm

Trong 3 tháng đầu năm 2017, chương trình tiêm chủng mở rộng của toàn thành phố Cần Thơ đã thực hiện tổng cộng khoảng 80.000 mũi tiêm các loại cho trẻ, trong đó ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nhẹ (đau, sưng, sốt nhẹ) và đặc biệt không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Phản ứng của trẻ sau tiêm là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng, mà quan trọng nhất là có cách theo dõi, xử trí đúng. 

Những phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm:

- Các phản ứng tại chỗ: đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm;

- Các phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc nhẹ.

- Cũng có một số loại vắc xin gây phản ứng nhẹ đặc trưng như sau khi tiêm vắc xin sởi - rubella khoảng 1-2 tuần, một số trẻ có thể nổi ban nhẹ ở vùng thắt lưng.

Phản ứng nặng sau tiêm chủng là phản ứng bất thường có thể đe dọa đến tính mạng trẻ được tiêm chủng như: trẻ khó thở, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở.

Do đó, sau tiêm ngừa, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng để theo dõi tối thiểu 30 phút sau tiêm. Khi về nhà, cũng phải theo dõi tương đối sát sao trẻ tốt nhất 24 giờ, nhưng đến 48 giờ càng tốt. Tuyệt đối không bôi, không chà hoặc đắp bất cứ loại gì, vật gì vào vết tiêm của trẻ. Bên cạnh đó, cho bé bú, ăn, sinh hoạt bình thường; lau mát cho trẻ khi bị sốt nhẹ và cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt > 38,5 độ C.

Lưu ý, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp lau mát và cho uống thuốc hạ sốt nhưng trẻ sốt càng tăng, trẻ có dấu hiệu bất thường như: khó thở, tím tái, co giật, quấy khóc ngày càng nhiều.

Tiêm chủng định kỳ: cho trẻ cơ hội lớn lên khỏe mạnh

Theo WHO, Tuần lễ tiêm chủng thế giới được tổ chức trên toàn thế giới vào tuần cuối cùng của tháng 4 nhằm thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ con người ở tất cả độ tuổi trước các nguy cơ bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng, tuy nhiên dữ liệu báo cáo mới đây vào tháng 3/2017 của WHO cho biết hiện vẫn còn 19,4 triệu trẻ em trên thế giới chưa được chủng ngừa đầy đủ.

Năm 2017 đánh dấu nửa chặng đường trong “Kế hoạch hành động vắc xin toàn cầu” được 194 nước thành viên của WHO nhất trí thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng y tế thế giới tháng 5/2012, với mục tiêu ngăn chặn hàng triệu người tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin vào năm 2020 thông qua việc tiếp cận tiêm chủng phổ cập.

Chiến dịch của Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm nay cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ trong suốt cuộc đời mỗi người và vai trò của tiêm chủng giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Theo WHO, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, việc mở rộng tiếp cận tiêm chủng là rất quan trọng. Tiêm chủng định kỳ là cơ sở của chăm sóc sức khoẻ ban đầu và bảo hiểm sức khoẻ toàn diện - cung cấp cho trẻ cơ hội có cuộc sống khỏe mạnh ngay từ đầu. Tiêm chủng cũng là một chiến lược cơ bản trong việc đạt được các ưu tiên về sức khoẻ, từ việc kiểm soát bệnh viêm gan siêu vi, kiềm chế sự đề kháng kháng sinh, cung cấp nền tảng cho sức khoẻ vị thành niên và cải thiện chăm sóc trước sinh, cũng như chăm sóc trẻ sơ sinh.

Hương Giang (lược ghi)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập