Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Sở Y tế Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh và cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu
[ Cập nhật vào ngày (10/07/2020) ] - [ Số lần xem: 573 ]
Ths.Bs Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng cập nhật thông tin hướng dẫn chẩn đoán và xử trí bệnh bạch hầu tại điểm cầu Phòng họp trực tuyến Sở Y tế
Ths.Bs Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng cập nhật thông tin hướng dẫn chẩn đoán và xử trí bệnh bạch hầu tại điểm cầu Phòng họp trực tuyến Sở Y tế

Ngày 9/7/2020, Sở Y tế Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh và cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu với điểm cầu các đơn vị

Ngày 9/7/2020, Sở Y tế Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh và cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu với điểm cầu các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ; Bệnh viện Nhi đồng; Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế của 9 quận/huyện. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Phòng họp trực tuyến Sở Y tế có lãnh đạo phòng ban trực thuộc Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Nhi đồng.

Tại hội nghị trực tuyến, BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ và Ths.Bs Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng đã hướng dẫn đến các đơn vị về công tác giám sát phòng chống bệnh bạch hầu, đồng thời cập nhật tình hình dịch bệnh, cách phát hiện sớm, chẩn đoán, xử trí bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu (ICD-10 A36) thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Biểu hiện của bệnh gồm: sốt; viêm mũi, họng, amygdal, thanh quản; xuất hiện giả mạc thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim; tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.

Bệnh thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được miễn dịch đầy đủ.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lưu ý, trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Về công tác chuyên môn: bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo. Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần (-). Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Đối với những người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân phải được xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Tiêm 1 liều đơn Penicillin hoặc uống Erythromycin từ 7-10 ngày cho những người đã bị phơi nhiễm với bạch hầu, bất kể tình trạng miễn dịch của họ như thế nào. Nếu xét nghiệm vi khuẩn (+) thì họ phải được điều trị kháng sinh và tạm nghỉ việc tại các trường học hoặc cơ sở chế biến thực phẩm cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn (-).

Trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp và tình hình dịch bệnh trong mùa mưa, nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, ngày 30/6/2020, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã có công văn số 2303/SYT-YDQLHN gửi các đơn vị y tế. Theo đó, yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp và tình hình dịch bệnh trong mùa mưa, nguy cơ mắc bệnh bạch hầu tại một số địa phương. Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên kiểm tra các khoa, phòng thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 28/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và công điện số 1898/CĐ-BCĐQG ngày 6/4/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bảo vệ nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và cập nhật phác đồ điều trị cho cán bộ chuyên môn…

Ban Biên tập Theo Ban Biên tập




Đường dây nóng




Số lượng truy cập