Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Khám chữa bệnh
Lao kháng thuốc - Nguy hiểm khó lường!
[ Cập nhật vào ngày (21/02/2012) ] - [ Số lần xem: 5611 ]
Bác sĩ phụ trách chương trình Phòng chống lao Quốc gia ở huyện Thốt Nốt đang khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: BÍCH NGỌC
Bác sĩ phụ trách chương trình Phòng chống lao Quốc gia ở huyện Thốt Nốt đang khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: BÍCH NGỌC

Bệnh lao có thể điều trị khỏi nhưng nếu điều trị không đúng cách sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, dễ để lại di chứng, thậm chí gây tử vong. Với những trường hợp lao kháng thuốc, việc điều trị càng khó khăn, tốn kém hơn. Bài viết của bác sĩ Trần Nhật Quang, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, sẽ thông tin rõ hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao (còn gọi là vi trùng Koch hay BK) gây ra, có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Bệnh có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng nếu như được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu người bệnh điều trị không đúng cách (bỏ dở điều trị hoặc dùng thuốc không đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc) sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như: Bệnh không khỏi, dễ để lại di chứng hoặc gây tử vong; gây ra hiện tượng kháng thuốc, nguy hiểm nhất là kháng đa thuốc làm cho việc điều trị càng khó khăn và tốn kém hơn; tiếp tục là nguồn lây, lây nhiễm cho người khác vi trùng lao kháng thuốc.

Nguyên nhân gây bệnh lao là do vi khuẩn lao gây ra nhưng về cơ bản, bệnh lao kháng thuốc là do con người gây ra. Xét trên phương diện vi sinh, sự kháng thuốc là do sự biến đổi về gien trong nhân tế bào làm cho một loại thuốc bị mất tác dụng đối với vi khuẩn đã bị đột biến. Thông thường, thuốc chống lao được chia thành hàng 1 và hàng 2. Các loại thuốc xếp ở hàng 1, gồm: Isoniazid, Rifampicin, Ethambutol, Pyrazinamide, Streptomycin... là thuốc chống lao thiết yếu hàng đầu đang lưu hành phổ biến trên toàn thế giới. Các thuốc chống lao hàng 2 như: Kanamycin, Amikacin, Capreomycin, Viomycin, Ethionamide, Cycloserine, Para Amino Salycilic acid (PAS), Thiacetazone, nhóm Fluoroquinolones. Một bệnh nhân được xác định mắc bệnh lao kháng thuốc, thông qua kết quả xác nhận kháng sinh đồ, với nhiều dạng. Đối với dạng kháng đơn thuốc, bệnh nhân lao mang vi khuẩn lao xác định kháng với một loại thuốc chống lao hàng thứ nhất. Thứ hai, dạng kháng nhiều thuốc: bệnh nhân mang vi khuẩn lao kháng lại với ít nhất hai loại thuốc kháng lao hàng thứ nhất, mà không phải hai loại thuốc Isoniazid và Rifampicin. Thứ ba là dạng kháng đa thuốc (MDR -TB): bệnh nhân lao mang vi khuẩn lao kháng với ít nhất hai loại thuốc kháng lao hàng thứ nhất là Isoniazid và Rifampicin. Cuối cùng là kháng thuốc lao diện rộng (XDR TB): bệnh nhân lao mang vi khuẩn lao kháng với ít nhất là Isoniazid và Rifampicin là các thuốc chống lao hàng thứ nhất; đồng thời kháng với một chế phẩm Fluoroquinolones bất kỳ và kháng với ít nhất một trong các thuốc kháng lao hàng thứ hai loại tiêm Capreomycin, Kanamycin và Amikacin...

Bệnh lao kháng thuốc đang trở thành một thách thức lớn đối với chương trình chống lao toàn cầu, nó có thể phá hủy toàn bộ những thành tựu mà chương trình chống lao đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp tích cực và kịp thời. Để ứng phó với tình hình này, ngày 22-6-2007, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi triển khai chương trình hành động mang tính toàn cầu: “Kế hoạch toàn cầu năm 2007- 2008 ứng phó với bệnh lao kháng thuốc”, với các mục tiêu: - Tăng cường chất lượng cơ bản của hoạt động phòng chống lao và HIV/AIDS. - Tăng cường chương trình quản lý MDR-TB và XDR-TB. - Tăng cường các dịch vụ xét nghiệm phù hợp và chẩn đoán kịp thời MDR-TB và XDR-TB. - Mở rộng điều tra giám sát MDR-TB và XDR-TB để có hiểu biết tốt hơn về mức độ, xu hướng kháng thuốc và mối liên quan với HIV. - Xây dựng và triển khai các biện pháp chống nhiễm trùng để tránh lây nhiễm MDR-TB và XDR-TB để bảo vệ bệnh nhân, nhân viên y tế, các đối tượng khác ở những nơi sống tập trung đông đúc, cộng đồng và đặc biệt ở những khu vực có độ lưu hành HIV cao. - Tăng cường vận động, truyền thông và huy động xã hội. - Huy động nguồn tiền ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. - Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các phương tiện chẩn đoán, các thuốc chống lao và các vắc-xin mới.

Qua điều tra tình hình lao kháng thuốc toàn cầu lần ba được tiến hành tại 109 nước trên thế giới vào năm 2003 cho thấy nhiều khu vực trên thế giới phải đối mặt với bệnh lao kháng thuốc. Tại một số địa phương, bệnh nhân mắc bệnh lao kháng thuốc ở mức báo động. Trong số bệnh nhân mới chưa từng điều trị lao, tỷ lệ trung bình kháng với bất kỳ loại thuốc nào trong số các loại thuốc hàng 1 là 10,7% (dao động từ 0-57,1%), thông thường là Streptomycin và Isoniazid, có đến 20 điểm điều tra vượt quá 20%. Tỷ lệ kháng đa thuốc trung bình là 1,2% (dao động từ 0-14,2%), 11 điểm vượt quá ngưỡng 6,5%. Đối với bệnh nhân đã từng điều trị, tỷ lệ trung bình của bất kỳ dạng kháng thuốc nào là 23,3% (dao động từ 0-82,1%) và bệnh nhân kháng đa thuốc là 7,7% (dao động từ 0-58,3%).

Thế giới có nhiều “điểm nóng” kháng đa thuốc, nơi nào có kháng đa thuốc từ 3% trở lên thì việc thực hiện chương trình chống lao gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc trên thế giới có sự khác nhau giữa các nước và khu vực. Ở Việt Nam, kết quả điều tra kháng thuốc ở bệnh nhân lao lần ba (2005-2006) trên phạm vi toàn quốc cho thấy lao đa kháng ở bệnh nhân lao mới 2,7% và lao đa kháng thuốc ở bệnh nhân đã điều trị là 19,3%.

Để tránh gây ra hiện tượng vi khuẩn lao kháng thuốc thì khi điều trị lao phải tuân thủ các nguyên tắc, như: Thứ nhất, cần phối hợp ít nhất 3 loại thuốc kháng lao chính trong thời gian tấn công để tránh hiện tượng chọn lọc dòng vi trùng kháng thuốc. Vì hiện tượng này là nguyên nhân thất bại của điều trị. Thứ hai, cần dùng thuốc đúng liều lượng từng loại thuốc hàng ngày và dùng đúng cách (chích và uống thuốc lao cùng một lúc, uống thuốc lúc bụng đói để hấp thu tối đa), để có tác dụng hiệp đồng và đạt đỉnh cao nồng độ thuốc trong huyết tương trong ngày, nhằm đạt kết quả diệt khuẩn hay tiệt khuẩn cao nhất. Thứ ba là điều trị đúng thời gian quy định của phác đồ 6 tháng (phác đồ nhi) và 8 tháng (phác đồ người lớn) để tránh tái phát về sau. Cuối cùng, điều trị đều đặn, liên tục, không bỏ trị để tránh tạo lao kháng thuốc.

Việc điều trị lao đa kháng thuốc rất phức tạp và khó khăn. Chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài. Tỷ lệ khỏi bệnh thấp, tỷ lệ bỏ trị và tử vong của bệnh nhân cao. Vì vậy để ngăn chặn bệnh lao kháng đa thuốc, giải pháp hữu hiệu là phòng ngừa. Đối với cán bộ y tế - đặc biệt là cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao - phải thực hiện thật nghiêm túc điều trị lao với hóa trị lao ngắn ngày có kiểm soát và các nguyên tắc cơ bản trong điều trị lao. Đối với cộng đồng, nhất là những người bị mắc bệnh lao, khi điều trị lao phải dùng thuốc lao đúng, đủ, đều và các hướng dẫn của cán bộ y tế để lành bệnh.

Bác sĩ Trần Nhật Quang Theo (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ)


Các ý kiến của bạn đọc





Đường dây nóng




Số lượng truy cập