Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng bệnh bại liệt
[ Cập nhật vào ngày (23/07/2014) ] - [ Số lần xem: 1213 ]

Bệnh bại liệt (dân gian thường gọi là sốt bại liệt) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, do vi rút Polio gây ra. Người mắc bệnh bại liệt có nguy cơ tử vong cao hoặc có thể bị di chứng nặng nề đối với chức năng vận động. Bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin Sabin (OPV).


bai benh bai liet_0820.jpg
Trẻ em được uống vắc xin ngừa bại liệt tại trạm y tế phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Ảnh: TC
* Khả năng bệnh quay lại

Bệnh bại liệt đã từng xảy ra ở nước ta và gây ra những trận dịch lớn vào năm 1957-1959. Từ năm 1962, Việt Nam đã chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV). Từ đó, trẻ em trong độ tuổi được cho uống vắc xin ngừa bại liệt theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ vậy, tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh bại liệt ở nước ta giảm đáng kể, không có các vụ dịch xảy ra. Tại thành phố Cần Thơ, ca mắc bại liệt được xác định cuối cùng vào năm 1997. Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Hơn 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả này.

Tuy nhiên hiện nay, vi rút bại liệt hoang dại gây bệnh bại liệt vẫn còn lưu hành trên thế giới. Theo thông báo của WHO, hiện có khoảng 700 trường hợp mang vi rút bại liệt hoang dại. Đặc biệt vi rút gây bệnh còn xâm nhập và lưu hành ở cả các nước đã thanh toán bệnh bại liệt. Ngày 5/5/2014, WHO thông báo bệnh đã được ghi nhận tại 10 quốc gia và có nguy cơ lan rộng, liên quan đến hành khách du lịch từ nước này sang nước khác tại khu vực Trung Á, Trung Đông và Trung Phi. WHO đánh giá đây là một vấn đề nguy cơ đối với y tế công cộng và phải có đáp ứng mang tính quốc  tế.

Trước những nguy cơ đó, Việt Nam cần chủ động ngăn chặn vi rút bại liệt hoang dại từ các quốc gia hiện còn lưu hành bệnh dịch nguy hiểm này. Ngoài việc duy trì tỷ lệ uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt đạt trên 90%, trẻ em dưới 5 tuổi tại một số địa phương sẽ được uống bổ sung vắc xin phòng bại liệt.

* Nhận biết dấu hiệu

Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) lây truyền theo đường tiêu hoá và có thể lan truyền thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp (Acute Flaccid Paralysis: AFP). Vi rút Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây, một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não. Biểu hiện lâm sàng, có nhiều thể:

 - Thể liệt mềm cấp điển hình: có các triệu chứng sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chi, không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động; Thể viêm màng não vô khuẩn;

- Thể nhẹ: Sốt, khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể phục hồi trong vài ngày.

- Thể ẩn: Là thể thường gặp, không rõ triệu chứng, song thể nhẹ có thể biến chuyển sang nặng.

Thời kỳ ủ bệnh: Bệnh bại liệt có thời kỳ ủ bệnh có thể dao động từ 3 đến 35 ngày. Trường hợp có dấu hiệu liệt thực thể có thời gian ủ bệnh là từ 7 đến 14 ngày.

Thời kỳ lây truyền: Chưa xác định, nhưng có thể kéo dài trong thời gian vi rút còn tồn tại trong cơ thể và đào thải ra ngoài. Sau khi xâm nhập, vi rút có trong dịch tiết hầu họng sau 36 giờ, trong phân sau 72 giờ. Ở trong phân, vi rút thường tồn tại từ 3-6 tuần hoặc lâu hơn. Vi rút có thể lây truyền từ 7-10 ngày trước khi người mắc xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Phương thức lây truyền: Lây truyền từ người sang người chủ yếu là qua đường phân - miệng. Vi rút bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi xâm nhập vào cơ thể người qua đường ruột. Cũng có trường hợp bệnh lây truyền qua đường hầu họng.

* Uống vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Đa số trường hợp trẻ em nhiễm vi rút Polio không có biểu hiện lâm sàng nhưng một số trường hợp bị liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong. Bệnh có thể qua khỏi nhưng để lại di chứng liệt suốt đời. Cách tốt nhất để phòng bệnh bại liệt là cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây qua đường ăn uống nên cách phòng bệnh chủ yếu là ăn chín, uống chín, tẩy rửa vật dụng và xử lý phân bằng hoá chất Chloramin, cách ly bệnh nhân.

Để chủ động phòng bệnh, tất cả trẻ em từ mới sinh cho đến dưới 5 tuổi phải tiêm đủ 3 liều cơ bản và uống 3 liều sabin phòng bại liệt  trong năm đầu từ chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bổ sung tại các vùng có nguy cơ trẻ em sẽ được uống hai liều vắc xin phòng bại liệt nữa, mỗi liều hai giọt. Ngoài loại Sabin uống còn có loại vắc xin dạng tiêm (IPV) ngừa bại  liệt hiện tại thường kèm theo các vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mũ và bại liệt hay gọi là vắc xin 6 trong 1.

Vừa qua, tại một số địa phương trong cả nước, việc cho trẻ dưới 1 tuổi uống vắc xin còn gặp khó khăn do nhiều phụ huynh còn ngần ngại đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và tình trạng khan hiếm vắc xin đột xuất. Vì vậy, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm bệnh bại liệt các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương.
BS Trần Trường Chinh, Phó Giám đốc TTYTDP quận Ninh Kiều




Đường dây nóng




Số lượng truy cập