Thứ Ba, ngày 19-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ
[ Cập nhật vào ngày (19/09/2017) ] - [ Số lần xem: 785 ]
ThS. BS Nguyễn Quốc Huy, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng quát, BV Nhi Đồng TP Cần Thơ, tư vấn phụ huynh cách chăm sóc vết thương cho trẻ bị tai nạn giao thông.
ThS. BS Nguyễn Quốc Huy, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng quát, BV Nhi Đồng TP Cần Thơ, tư vấn phụ huynh cách chăm sóc vết thương cho trẻ bị tai nạn giao thông.

Thời gian qua, cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông thì các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân là trẻ em cũng tăng lên đáng kể. Theo báo cáo của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP Cần Thơ có 97 trường hợp trẻ em bị tai nạn giao thông, trong đó có 2 trường hợp trẻ tử vong.

* Cần trông nom trẻ cẩn thận

Chị T.T.T.K, 29 tuổi, ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng là mẹ của bé T.C.D (39 tháng tuổi), kể lại: “Con tôi đang chơi trên lề đường trước nhà với ông ngoại thì bị xe máy tông phải, kéo lê khoảng ba, bốn mét, sau đó đè lên người. Chúng tôi đưa cháu ra trạm y tế sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ”. Bé D. được chẩn đoán bị gãy chân, phải bó bột.

Nằm cùng phòng bé D., bé P.Đ.T cũng bị gãy chân do bị xe máy tông phải khi đi ngang qua đường. Anh P.T.H, cha của bé T. đã nhanh chóng đặt bé nằm trên tấm ván, cố định chân bằng thanh gỗ thẳng, dùng dây vải buộc chặt rồi nhanh chóng đưa bé nhập viện ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ.

Cũng tại Khoa Ngoại tổng quát, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, chị M.T.M.X, 29 tuổi, ở khu dân cư Hồng Phát, phường An Cư, quận Ninh Kiều tâm sự: “Chiều hôm qua, bé đi chơi với cha. Do cha không thường xuyên kiểm soát, để bé chạy ra lộ trong khi chiếc tắc xi đang chạy tới. Bé bị kẹt dưới gầm xe. Tôi đã nhanh chóng đem bé đến BV cấp cứu, may mắn là bé chỉ bị xây xát ngoài da, nhưng bé có ói ra máu nên bác sĩ cho chụp hình, siêu âm và ở lại theo dõi”.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, nhưng chủ yếu vẫn là do sự bất cẩn của cha mẹ, lượng xe lưu thông trên đường đông và đặc biệt là ý thức và nhận thức về an toàn giao thông của một số bậc phụ huynh và bản thân các em nhỏ còn rất hạn chế. Không ít các bậc phụ huynh chở trẻ em bằng xe máy nhưng lại không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, mặc dù bố mẹ đều đội mũ cẩn thận. Bên cạnh đó, cha mẹ chở theo con cái nhưng không tự giác chấp hành luật an toàn giao thông, vi phạm các lỗi như: uống rượu bia khi tham gia giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi hàng hai, hàng ba trên đường...

ThS.BS Nguyễn Quốc Huy, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng quát, BV Nhi Đồng TP Cần Thơ cho biết, tại BV, số lượng trẻ em nông thôn bị thương tích từ các trường hợp va quẹt xe ngày càng gia tăng. Nguyên nhân có thể do đường đi lại ở nông thôn nay đã tốt hơn nên lượng xe máy gia tăng, cộng thêm trẻ em vùng nông thôn ít được cha mẹ quản lý, trông nom cẩn thận. Do vậy, trẻ em nông thôn thường đi chơi nhà hàng xóm, hoặc đi chợ mua đồ giúp cha mẹ, có em còn được cha mẹ cho chạy xe đạp hay xe gắn máy trên lộ nông thôn.

* Giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho trẻ

Hiện nay, các trường hợp tai nạn giao thông ở trẻ em đang gia tăng, đặc biệt là tăng đột biến vào những dịp lễ, tết, nghỉ hè... ThS.BS Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Khi bị tai nạn giao thông, trẻ đa phần là bị gãy xương; một số trường hợp chấn thương nội tạng, chấn thương sọ não. Nếu trẻ bị gãy xương thì có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, chức năng vận động; trường hợp gãy xương phức tạp có thể để lại di chứng trong việc đi đứng về sau. Các chấn thương ở bụng có thể dẫn đến xuất huyết nội do vỡ tạng, nếu không được can thiệp kịp thời dễ đe dọa đến tính mạng của trẻ. Các trường hợp trẻ bị chấn thương đầu, chấn thương sọ não có thể sống đời sống thực vật, tàn tật hoặc tử vong”.

Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em là nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông khi đi trên đường cho trẻ. Mỗi người cha, người mẹ cần là một tấm gương tốt, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông để cho trẻ noi theo. Ở các vùng nông thôn, các gia đình nên làm hàng rào, cho trẻ chơi ở khuôn viên quanh nhà, tránh chơi hai bên lề đường. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ chạy xe đạp trên các tuyến đường có nhiều xe lưu thông, tuyệt đối không nên giao xe gắn máy cho trẻ chưa đủ tuổi lái xe.

Các bậc cha mẹ phải luôn tự giác chấp hành và nhắc nhở con em mình những vấn đề sau: đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; dạy và hướng dẫn trẻ các kỹ năng đi xe đạp, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; nhường đường cho người đi bộ; dừng và đi theo tín hiệu đèn giao thông; không lạng lách, đánh võng trên đường; đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho từng loại xe; tuân thủ đúng các loại biển báo; không cho trẻ chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông, vỉa hè khu vực đỗ ô tô; phải chú ý quan sát xung quanh trước khi qua đường và nên giơ tay cao để tăng sự chú ý của mọi người.

ThS.BS Nguyễn Quốc Huy cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ: “Khi không may xảy ra tai nạn giao thông cần nhanh chóng sơ cứu tại chỗ và kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Các nguyên tắc sơ cấp cứu là: rửa vết thương bằng nước sạch, cầm máu, chống choáng, nếu nạn nhân bị thương vào đầu hoặc nghi có gãy xương cần nẹp cố định, bất động chỗ gãy sau đó nhanh chóng tìm cách đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc ở nhà hoặc tại cơ sở y tế địa phương. Trường hợp va chạm mạnh, trẻ có biểu hiện đi đứng không được, đau, mặt tái nhợt, lơ mơ, ói nhiều, ói ra máu, đau đầu, li bì… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ bị chấn thương tạng trong ổ bụng ban đầu không có biểu hiện rõ rệt, vì vậy, cha mẹ cần theo dõi sát sao những biểu hiện của trẻ, nếu có biểu hiện bất thường về mặt tri giác, tay chân, đau ở điểm nào đó trên bụng, trên cơ thể thì phải đưa bé đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên tự điều trị bằng cách đắp thuốc vào vết thương hoặc đến các thầy lang bôi, bó thuốc...”.

Bài, ảnh: Kim Nhiên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập