Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Những điều cần biết về bệnh Rubella
[ Cập nhật vào ngày (01/10/2014) ] - [ Số lần xem: 1021 ]

BBT: Tháng 10/2014, TP Cần Thơ sẽ triển khai đợt tiêm vắc xin phòng sởi – Rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn địa bàn thành phố. Vậy bệnh Rubella là gì, mức độ nguy hiểm và vì sao phải tiêm phòng bệnh? Bài viết sau đây của BS.CK II Nguyễn Minh Thắng, Q. Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh này.

ww_rubella_1887.jpg
Tiêm ngừa là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Rubella.

* Rubella là gì?


Bệnh Rubella do vi rút Rubella gây ra. Vi rút Rubella là một vi rút thuộc giống Rubivirus, nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng và nồng độ pH cao. Bệnh Rubella hay gặp ở các nước đang phát triển, 99% trẻ có thể mắc  khi chưa có vắc xin. Từ khi có vắc xin chủng ngừa thì chỉ còn 10% trẻ nhỏ dễ bị cảm thụ bệnh này, chủ yếu ở trẻ không tiêm vắc xin.

Vấn đề đáng quan tâm là tình trạng nhiễm Rubella ở phụ nữ có thai chưa có miễn dịch. Khi người phụ nữ bị nhiễm vi rút rubella trong 3 tháng đầu của quá trình mang thai, có tới 90% số trường hợp người mẹ có thể truyền vi rút sang thai nhi. Hậu quả, thai nhi bị chết hoặc có thể gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Nếu như ở trẻ nhỏ nhiễm Rubella chỉ biểu hiện nhẹ, thì ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ phải gánh chịu những dị tật nặng nề như: điếc, dị tật ở mắt, dị tật ở tim và não.

* Bệnh rubella có khả năng lây truyền


Bệnh Rubella lây truyền do những giọt nước bọt trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Người bệnh trở thành nguồn lây sau 5 đến 7 ngày kể từ khi vi rút xâm nhập vào cơ thể. Trường hợp phụ nữ có thai mắc bệnh thì có thể truyền vi rút sang thai nhi. Người bị nhiễm vi rút có khả năng lây truyền cao nhất trong thời kỳ phát ban. Tuy nhiên, vi rút có thể lây truyền trước và sau phát ban 7 ngày.

Trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể lây truyền vi rút trong khoảng thời gian một năm hoặc hơn.

* Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng

Từ khi vi rút xâm nhập vào cơ thể từ 2-3 tuần lễ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tiếp theo có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.

Sốt: Bệnh nhân thường sốt nhẹ khoảng 38,50C, kèm đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện từ 1- 4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm.

Nổi hạch: Ở vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi hết ban.

Phát ban: Ban xuất hiện ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1mm - 2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng lẻ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày ban sẽ hết.

Người mắc Rubella thường có cảm giác đau khớp hoặc đau khắp mình, hay gặp nhất ở phụ nữ. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân bệnh nhân bị đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.

Phụ nữ có thai bị Rubella không có triệu chứng. Điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ. Trong 3 tháng đầu, 70%-100% trẻ sinh ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não. Sau 3 tháng, nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%; khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ là 5% và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.

Phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ trên đầu, mặt, cổ và mọc dần xuống cơ thể, sau khi ban lặn sẽ để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm.

* Các thể lâm sàng và biến chứng của bệnh

Rubella bẩm sinh: Vi rút từ máu mẹ qua nhau thai đến thai nhi. Trẻ sơ sinh khi sinh ra đã có ban hoặc ban xuất hiện trong vòng 48 giờ sau sinh. Bệnh nhi có gan to, lách to, vàng da.
Thể xuất huyết do giảm tiểu cầu: Chiếm tỷ lệ 1/3.000 ca, xuất hiện xuất huyết vào 1-2 tuần sau khi phát ban. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa. Trẻ sơ sinh có thể chảy máu rốn.

Biến chứng của Rubella có xu hướng xảy ra ở người lớn hơn là trẻ em. Khoảng 70% phụ nữ bị nhiễm trùng có thể đau hoặc viêm khớp, đặc biệt, ở ngón tay, cổ tay và đầu gối. Viêm não xảy ra khoảng 1/5.000 trường hợp và thường gặp nhất ở phụ nữ. Xuất huyết xảy ra khoảng 1/3.000 trường hợp ở trẻ em. Biến chứng của hội chứng rubella bẩm sinh gồm điếc, đục thuỷ tinh thể, bệnh tim và chậm phát triển trí tuệ.

* Điều trị và phòng bệnh

Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh. Trẻ nhỏ bị hội chứng Rubella bẩm sinh cần được điều trị những biến chứng do bệnh gây ra. Vắc xin Rubella an toàn hiệu quả, khi được dùng cho trẻ em thường phối hợp với vắc xin sởi. Ở Việt Nam, trong chiến dịch tiêm sởi và Rubella năm 2014-2015: Tất cả trẻ em từ 1-14 tuổi được tiêm một mũi vắc xin sởi - Rubella.

Để phòng hội chứng rubella bẩm sinh, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ là những đối tượng cần tiêm vắc xin Rubella. Tiêm chủng cho nữ 15 đến 40 tuổi sẽ làm giảm nhanh tỉ lệ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, khi tiêm phòng, phải sử dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu trong 3 tháng liên tục, gồm 1 tháng trước khi tiêm phòng và 2 tháng sau khi tiêm phòng.
BS.CK II Nguyễn Minh Thắng




Đường dây nóng




Số lượng truy cập