Thứ Năm, ngày 28-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Tầm soát, phát hiện sớm ung thư
[ Cập nhật vào ngày (16/10/2017) ] - [ Số lần xem: 1664 ]
Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ vừa trang bị máy siêu âm đàn hồi giúp chẩn đoán sớm một số loại bệnh ung thư
Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ vừa trang bị máy siêu âm đàn hồi giúp chẩn đoán sớm một số loại bệnh ung thư

Hiện nay một số loại bệnh ung thư (UT) có thể được phát hiện sớm thông qua việc khám, tầm soát, giúp điều trị bệnh hiệu quả, giảm chi phí điều trị và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, phần lớn người dân hiện nay chưa có thói quen theo dõi sức khỏe cũng như đi khám, tầm soát bệnh UT. Đặc biệt là ở chị em phụ nữ, nguyên nhân chủ yếu là vẫn còn tâm lý “ngại” đi khám.

Giữa tháng 9/2017, tại TP Cần Thơ, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân UT - Ngày mai tươi sáng, Bệnh viện K, Quỹ Thiện tâm và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec phối hợp Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ có tổ chức khám, sàng lọc ba bệnh UT: vú, cổ tử cung (CTC) và đại trực tràng miễn phí người dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Qua hỏi thăm ngẫu nhiên các chị em phụ nữ từ 50-70 tuổi tại buổi khám này, nhiều chị em cho biết đều chưa từng đi khám tầm soát UT. Đặc biệt là những chị em ở vùng nông thôn còn tâm lý “ngại” khám, quá bận bịu với công việc trong gia đình, sợ tốn tiền… nên cũng không chủ động tầm soát định kỳ, phát hiện sớm bệnh.   

Chị Trần Kim Ng., 47 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đi khám tầm soát UT. Mấy năm trước, chị em trong hội phụ nữ cũng có rủ đi khám nhưng do ngại và không có thời gian nên tôi không đi. Giờ thấy mình lớn tuổi rồi, sẵn có ngày rảnh hôm nay mới đi khám chung với các chị”.

Chị Lê Thị Thu T., ở ấp Trường Khương, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cũng chia sẻ trước giờ chưa đi khám tầm soát UT vú và UTCTC lần nào, nhận được thư mời khám tầm soát UT vú, UTCTC và đại trực tràng miễn phí ở Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ nên mới đi”.

ThS.BS Huỳnh Minh Thiện, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ cho biết: “Việc tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền UT thì cơ hội chữa khỏi rất cao. Mọi người dân từ 35 tuổi trở lên cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của bản thân và tầm soát một số loại UT. Đây là đề nghị tầm soát UT dành cho những người có sức khỏe tương đối tốt và có nguy cơ mắc bệnh UT trung bình. Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh UT, hoặc đã từng mắc bệnh UT, có thể phải thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh ở tuổi trẻ hơn và thường xuyên hơn”.

Theo ThS.BS Huỳnh Minh Thiện, một số loại UT có thể tầm soát sớm và điều trị hiệu quả như: UT vú, UT CTC, UT đại trực tràng, UT tuyến giáp, UT vùng tai mũi họng, UT tuyến tiền liệt… Đối với UT vú, vai trò của siêu âm và chụp nhũ ảnh là rất quan trọng. Ở độ tuổi 45-54 thì nên khám tầm soát bằng nhũ ảnh. Từ 55 tuổi trở lên, người bệnh có thể khám tầm soát 2 năm/lần hoặc họ có thể chọn lựa tiếp tục mỗi năm một lần. Đối với UT CTC, các kỹ thuật sàng lọc UT CTC gồm: Quan sát CTC với acid acetic (VIA), quan sát CTC với Lugol (VILI), xét nghiệm tế bào CTC, xét nghiệm ADN HPV. Trong đó, tầm soát bằng VIA là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh, không lệ thuộc vào phòng xét nghiệm, tương đối chính xác, rất thích hợp cho những nơi có điều kiện kinh tế và y tế hạn chế như các trạm y tế, trung tâm y tế ở vùng xa, vùng sâu. Đây là nghiệm pháp chấm CTC bằng dung dịch acid acetic 3-5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những bất thường bao gồm các tổn thương tiền UT. VIA có thể thực hiện vào bất kỳ lúc nào, ngay cả khi có kinh nguyệt (trừ khi ra huyết quá nhiều), trong khi có thai, khám hậu sản hoặc kiểm tra sau nạo thai.

Đối với UT đại trực tràng, bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên có thể làm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Tuy nhiên, xét nghiệm này không thể xác định được vị trí và nguyên nhân chảy máu. Vì vậy, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có máu trong phân, người bệnh sẽ cần thực hiện nội soi đại tràng để kiểm tra sự hiện diện của polyp hay ung thư. Đối với một số loại UT khác, người dân cần quan tâm đến sức khỏe, tầm soát định kỳ và làm đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ.

Năm 2017, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đã có nhiều hoạt động hợp tác với nhiều tổ chức nhằm tăng cường khám tầm soát một số loại bệnh UT phổ biến cho người dân TP Cần Thơ như: phối hợp với Quỹ hỗ trợ bệnh nhân UT - Ngày mai tươi sáng, Bệnh viện K, Quỹ Thiện tâm và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec thực hiện khám, sàng lọc ba bệnh UT: vú, CTC và đại trực tràng vào tháng 9/2017. Qua khám tầm soát 350 ca, nghi ngờ 2 ca bị UT CTC và 2 ca UT vú. Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đang mời bệnh nhân đến tư vấn và làm các cận lâm sàng, xét nghiệm… chẩn đoán chính xác bệnh. Từ tháng 9 - 12/2017, bệnh viện cũng phối hợp với Bệnh viện K triển khai dự án “Thúc đẩy kiểm soát UT tại Việt Nam” (dự án do Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) tài trợ) sẽ tổ chức khám sàng lọc UT vú và CTC cho 10.000 phụ nữ ở TP Cần Thơ. Cả hai hoạt động này đều nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh UT, tạo thói quen cho người dân chủ động khám sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm UT.

ThS.BS Huỳnh Minh Thiện cho biết thêm: Sau khi khám lâm sàng và có hình ảnh, bác sĩ cần thực hiện thêm các xét nghiệm tế bào học nhằm chẩn đoán chính xác UT. Vì vậy, vai trò của giải phẫu bệnh là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu đã tăng cường phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu và trang thiết bị hiện đại như: quy trình xét nghiệm HPV nhằm tầm soát UT CTC; máy chụp CT 32 lát cắt, máy siêu âm đàn hồi, xét nghiệm hóa mô miễn dịch… Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có một đội ngũ bác sĩ giải phẫu bệnh nhiệt tình, có năng lực chuyên môn, được đào tại chuyên sâu giúp chẩn đoán chính xác trong tầm soát UT, giúp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Bài, ảnh: Kim Nhiên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập