Thứ Năm, ngày 28-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe cho mọi người
[ Cập nhật vào ngày (16/10/2017) ] - [ Số lần xem: 782 ]
Lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình. Ảnh: H.G
Lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình. Ảnh: H.G

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” với chủ đề: “Kiến thức dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe cho mọi người” diễn ra  từ ngày 16 - 23/10/2017.

Bộ Y tế đã có văn bản số 5952/BYT-DP về việc tổ chức tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" với mục tiêu đề ra là đảm bảo an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để mọi người khoẻ mạnh; khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với điều kiện kinh tế; tạo ra nguồn lương thực - thực phẩm dồi dào tại gia đình và địa phương trên cơ sở giữ gìn vệ sinh môi trường; biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh và không bị hao hụt chất dinh dưỡng.

Để đảm bảo vấn đề này, công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể là rất cần thiết; nhất là việc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình, đặc biệt là các gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay có thiên tại xảy ra. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát và nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo ra nguồn lương thực - thực phẩm sạch, an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn để đảm bảo sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

* Dinh dưỡng hợp lý, khoa học, an toàn vệ sinh

Nhu cầu ăn uống hàng ngày không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người. Thực phẩm ăn vào có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe trong suốt các giai đoạn khác nhau của đời người. Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng một cách hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể có sức khỏe tốt, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng ngừa các bệnh liên quan tới ăn uống và khôi phục sức khỏe sau thời kỳ bệnh tật, thương tích...

Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khoẻ và mức độ hoạt động thể lực. Hàng ngày cơ thể con người đòi hỏi phải được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, do vậy cần duy trì thường xuyên chế độ ăn uống đủ chất, cân đối để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển của cơ thể cũng như đảm bảo duy trì sự sống, làm việc và các hoạt động khác.

Thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ chất: Để bữa ăn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với điều kiện kinh tế và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Nên ăn đảm bảo đủ 4 nhóm.

+ Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, sữa, mè , các loại đậu… cung cấp các axit amin là nguyên liệu chủ yếu xây dựng cơ thể;

+ Nhóm chất bột đường gồm: gạo, mì, bắp, các loại khoai, các sản phẩm chế biến và đường cung cấp nâng lượng chủ yếu cho cơ thể duy trì thân nhiệt và hoạt động thể lực;

+ Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ từ nguồn thực vật và động vật cung cấp năng lượng, duy trì thân nhiệt và tham gia một số thành phần của tế bào;

+  Nhóm vitamin và muối khoáng gồm: rau, quả cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ đảm bảo cho các hoạt động chuyển hóa của cơ thể);

* 9 nguyên tắc cho bữa ăn gia đình

1. Ăn thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động

Gồm gạo, mì, bắp, khoai và chế phẩm như bánh mì, phở, bún, miến, nhất là khoai lang, khoai tây có nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ, khoai có màu vàng màu đỏ có tiền chất Vitamin A. Mỗi ngày nên sử dụng từ 240-300g.

2. Không nên ăn mặn, ngọt và nên bổ sung muối I-ốt

Đối với người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn cũng chỉ nên ăn khoảng 4g-8g muối/ngày, đường và đồ ngọt ăn khoảng 25g/ngày.

3. Ăn dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý

Chất béo rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng nuôi sống cơ thể, nhưng nên hạn chế chất béo, nếu không dễ mắc các bệnh béo phì, tim mạch, tăng huyết áp. Nên tăng cường ăn chất béo từ thực vật như mè, đậu phộng; hạn chế chất béo từ động vật, chỉ nên ăn khoảng 25-30g/ngày.

4. Ăn rau, củ, quả hàng ngày

Thực phẩm này có nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể, đồng thời có nhiều chất xơ có tác dụng làm sạch chất độc và cholesterol thừa ra khỏi ống tiêu hoá. Nên ăn phối hợp nhiều loại hoa quả để có đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể và mỗi ngày một người nên ăn khoảng 240-320g, Trái cây/quả chín khoảng 240g.

5. Sữa và chế phẩm

Các loại sữa bột, sữa nước và chế phẩm như sữa chua, pho mát là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cung cấp chất đạm với thành phần amino acid cân đối và đồng hóa cao, chất béo và nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt nhiều canxi, dễ hấp thu cần thiết cho sự duy trì của hệ cơ xương, chống loãng xương và rất nhiều chức năng khác của cơ thể. Nên ăn phối hợp 3 loại sữa nước, sữa chua và phomat mỗi ngày cung cấp khoảng 300-400g calci.

6. Uống đủ nước sạch hàng ngày

Nước có vai trò quan trọng với sự sống, đảm bảo ổn định môi trường dịch tế bào mạch máu của cơ thể người, đảm bảo tiêu hóa, hấp thu và sử dụng thực phẩm, giúp thanh lọc các chất cặn bã ra khỏi cơ thể với sự bài tiết qua nước tiểu và phòng ngừa bệnh trĩ.

7. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm

Đảm bảo vệ sinh thực phẩm rất quan trọng để thức ăn không là nguồn gây bệnh. Nên có thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh. Ăn ngay thức ăn vừa nấu chín, bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng, che đậy kín tránh bụi, ruồi nhặng. Nước có thể là nguồn lây nhiễm bệnh, gây ngộ độc nhanh cho nên chỉ dùng nước sạch để rửa thực phẩm, nấu thức ăn và uống.

8. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh

Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.

9. Duy trì nếp sống năng động, lành mạnh

 Không hút thuốc lá; hạn chế uống rượu bia, nước có ga và đồ ngọt; tăng cường hoạt động thể dục thể thao, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe; duy trì cân nặng hợp lý.

Nguyễn Thị Kim Hồng, Trung tâm CSSKSS thành phố Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập