Thứ Ba, ngày 23-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Cảnh giác với ong vò vẽ
[ Cập nhật vào ngày (17/08/2018) ] - [ Số lần xem: 894 ]
Bé Lưu Trọng V. (5 tuổi) bị ong vò vẽ đốt 40 mũi.
Bé Lưu Trọng V. (5 tuổi) bị ong vò vẽ đốt 40 mũi.

Sáng 15/8/2018, tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ, các bác sĩ vừa tích cực điều trị, vừa làm thủ tục để chuyển hai bệnh nhi ngụ ở tỉnh Bạc Liêu bị ong vò vẽ đốt lên BVNĐ TP Hồ Chí Minh.

Hai bé là Lưu Trọng K. (7 tuổi) và Lưu Trọng V. (5 tuổi) cùng ngụ xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Hai bé nhập viện vào khoảng 23 giờ ngày 14/8/2018 tại Khoa cấp cứu, BVNĐ TP Cần Thơ do tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng phản vệ độ II, xác định nguyên nhân bị ong võ vẽ đốt, biểu hiện môi tím, phù nề toàn thân, trung bình mỗi bé bị chích khoảng 40 đốt. 

Canh giac voi ong vo ve - bai trang 8-9_ONG002.jpg

Hai bé V. và K. được các bác sĩ BVNĐ Cần Thơ tích cực chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.

Các y bác sĩ tại Khoa tiến hành cấp cứu, tiên lượng nặng nên chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Các thầy thuốc đã truyền dịch, cho thuốc giảm đau, vệ sinh vết đốt, chích kháng sinh... cho hai bé.

Anh Lưu Văn Đ., cha 2 bé, kể lại: Khoảng 16 giờ ngày 14/8, mẹ vợ và người dì đốn cây tràm để làm đường trước nhà. Không may khi cây ngã, ong vò vẽ trên cây túa ra, bay vào nhà đốt 6 người gồm bà ngoại (92 tuổi), mẹ vợ anh, dì bảy (56 tuổi) và 3 cháu nhỏ. Sau đó, nạn nhân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, chuyển ra bệnh viện tỉnh (riêng mẹ vợ bị đốt 2 mũi nên không điều trị). Sau đó do bệnh tình quá nặng, bà ngoại 92 tuổi và một cháu 13 tháng tuổi đã qua đời. Hai cháu V. và K. được chuyển đến BVNĐ TP Cần Thơ, dì bảy tiếp tục được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng theo lời người nhà, trước khi đốn cây, mẹ vợ anh có mé nhánh nhưng không thấy tổ ong. 

Theo các bác sĩ, ong vò vẽ là loại có độc tính rất mạnh, ở trẻ em, trên 5 vết đốt là nguy hiểm, riêng hai bé này mỗi bé bị khoảng 40 vết đốt. Tuy hiện tại tạm ổn nhưng trong 1-2 ngày tới có thể diễn tiến xấu hơn do nọc độc gây tán huyết, nguy cơ suy gan, suy thận cấp, tiên lượng cần lọc máu liên tục nên hội chẩn chuyển tuyến trên.

Số người (nhất là trẻ em) bị ong vò vẽ đốt thường tăng trong mùa hè. Nhiều khi người lớn không đánh giá được mức độ nguy hiểm của tai nạn này nên đưa trẻ đến bệnh viện muộn; hoặc nếu bị chích nhiều đốt (ở trẻ, trên 5 đốt là nguy hiểm) thì rất dễ dẫn đến suy thận, suy gan.

Ong vò vẽ sống thành đàn, một đàn từ 25.000 đến 50.000 con, có đặc tính giữ gìn cương thổ rất cao. Nó có sọc vàng - đen ở bụng, thường làm tổ trên những bụi cây cao, trên mái nhà hay trong các thân cây rỗng. Tổ ong vò vẽ trông giống như một khối đất nên ít ai chú ý. Loại ong này chỉ đốt người khi tổ của chúng bị phá. Ong vò vẽ nguy hiểm hơn các loài ong khác vì khi đốt người, kim của chúng có thể rút ra và tiếp tục đốt nhiều lần sau đó. Một con ong có thể đốt 20 - 30 mũi, đến khi hết nọc độc mới ngưng. Ong vò vẽ thích lao vào những vật di động, có màu, có mùi hương. Vì vậy khi bị ong đốt, càng chạy, nạn nhân càng bị đàn ong lao theo tấn công tới tấp.

Ong vò vẽ đốt có thể gây ra phản ứng dị ứng; ngay lập tức vết đốt bị sưng đau, nổi mề đay toàn thân, nhanh chóng có triệu chứng sốc phản vệ như mệt, đau bụng, khó thở, tụt huyết áp. Tình trạng này không phụ thuộc vào số mũi đốt. Sốc phản vệ xảy ra sau khi bị ong đốt từ 10 phút đến 3 ngày; nếu xảy ra càng nhanh thì bệnh càng nặng. Trẻ bị sốc phản vệ nếu không được nhận biết và xử trí kịp thời thường tử vong rất nhanh.

Để phòng ngừa ong đốt, cần hướng dẫn trẻ biết nhận dạng tổ ong để tránh xa, không chọc phá. Khi đi vào vườn cây, không mặc quần áo sậm màu hay màu sắc sặc sỡ, không dùng nước hoa. Tốt nhất nên đội nón, trùm khăn che kín mặt và cổ, đi giày ống, mang tất. Khi bất ngờ bị ong tấn công, hãy bình tĩnh ngồi yên tại chỗ, tìm cách che chắn vùng đầu, mặt, cổ; không hoảng loạn, la hét, bỏ chạy vì ong sẽ chọn mục tiêu di động mà bay đến tấn công.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, khuyến cáo: Chúng tôi vẫn thường tiếp nhận những ca bệnh bị ong đốt. Khi phát hiện bị ong đốt, cần xác định loại ong gì và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế. Để đảm bảo an toàn, các gia đình cẩn thận, quan sát khu vực xung quanh nhà, nhất là gia đình ở gần nơi có nhiều cây cối, nhiều trẻ nhỏ (trẻ hiếu động), các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình nên tránh xa những bụi rậm, không chọc phá tổ ong.

Đỗ Quyên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập