Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Những năm tháng hào hùng của ngành Y tế Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ
[ Cập nhật vào ngày (03/03/2015) ] - [ Số lần xem: 1357 ]

BAI CHU 3 LAP_.jpg

Tỉnh Cần Thơ ở nằm vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, có thành phố Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây, đựơc mệnh danh là “Tây Đô” - một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị sôi động ở vùng cực Nam của Tổ quốc.

Mỹ, Ngụy chọn thành phố Cần Thơ đặt căn cứ quân sự vùng 4 chiến thuật, là cơ quan đầu não chỉ huy chiến tranh của vùng, từ đây tung lực lượng ra đánh phá các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, Cần Thơ là nơi đầu sóng ngọn gió hứng chịu nhiều thí điểm, nhiều ý đồ chiến lược thâm độc của địch; là chiến trường luôn luôn sôi động, căng thẳng, ác liệt, các lực lượng cách mạng chịu tổn thất hy sinh lớn…

Thường vụ Khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu xác định: Tỉnh Cần Thơ là trọng điểm số một của khu. Vì vậy lãnh đạo khu dồn sức chỉ đạo, tăng cường các cán bộ có kinh nghiệm về đây để xây dựng phong trào cách mạng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân - phát triển lực lựơng vũ trang địa phương xây dựng các đoàn thể chính trị từ nông thôn cho đến nội ô thành thị… để đủ sức đương đầu với kẻ địch ở một vùng trọng điểm.

BAI CHU 3 LAP_02129.jpg

Với tư tưởng chỉ đạo đó, ngành y tế Cần Thơ đựơc sự quan tâm đúng mực của Ban Dân y khu trên tất cả các mặt. Đựơc sự chỉ đạo của Ban Dân y Miền Nam và Bộ tư lệnh Quân khu, Y tế Cần Thơ tách Dân y và Quân y thành hai hệ sớm nhất, tiếp nhận cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý. Cùng với trang thiết bị chuyên môn, thuốc men khá ưu tiên so với các tỉnh trong khu. Nhờ vậy mà y tế tỉnh Cần Thơ sớm đào tạo cán bộ, xây dựng phát triển mạng lưới y tế nhanh, mạnh và đều khắp từ tỉnh, huyện và xã.

Đầu năm 1967, Bác sĩ Trần Ngọc Đăng, ủy viên Ban Dân y Miền Nam, xuống miền Tây và đến chỉ đạo Dân y tỉnh Cần Thơ, đồng chí xuống tận xã hướng dẫn tổ chức mạng lưới y tế nhân dân, tổ chức cho nhân dân nuôi dưỡng chăm sóc thương binh, xây dựng ra mạng lưới ngoại khoa mạnh phục vụ cho cuộc chiến đấu sẽ ngày càng ác liệt tại chiến trường đồng bằng và bị chia cắt.

bai chu 3 lap 005.jpg

Cuối năm 1967, y tế các huyện đều có y sĩ (trừ huyện Kế Sách đến đầu năm 1968 mới có y sĩ). Về chuyên môn, có khả năng cấp cứu thương tích chiến tranh ở tuyến đầu. Đặc biệt có 3 huyện được tăng cường bác sĩ: thành phố Cần Thơ, Châu Thành và Phụng Hiệp. Giữa năm 1967, Ban Dân y khu đưa bác sĩ Trần Thái Bình, Hiệu trưởng trường Trung cấp Y Dựơc, là một trong vài bác sĩ ngoại khoa giỏi của khu lúc bấy giờ, tăng cường cho Cần Thơ. Anh được phân công làm phó Ban thường trực Dân y tỉnh vừa là phẫu thuật viên chính của bệnh xá tỉnh. Dân y khu còn tăng cường các cán bộ chuyên môn khác; lãnh đạo Dân y khu nhiều lần xuống Cần Thơ kiểm tra chỉ đạo. Dù không phổ biến kế hoạch tấn công tết Mậu Thân, nhưng mọi người dân dự đoán “sẽ có đánh lớn”… không khí hồ hởi, phấn khởi tràn ngập trong các đơn vị y tế; tất cả công việc đều tiến hành khẩn trương: xây dựng căn cứ, chuẩn bị bông băng thuốc men, đi công tác xuống huyện, xã xây dựng mạng lưới,…rất sôi nổi.

Khu ủy đưa một đoàn cán bộ tổng hợp xuống xã Vĩnh Viễn huyện Long Mỹ, chỉ đạo xây dựng: “Chi bộ vững mạnh toàn diện” để phục vụ cho cuộc tấn công sắp tới. Trong đoàn có y sĩ Huỳnh Hộ, cán bộ của Dân y khu xuống kết hợp với Dân y Cần Thơ và cấp ủy cơ sở chỉ đạo xã Vĩnh Viễn xây dựng phong trào “y tế cơ sở, phát động mỗi hộ gia đình: sử dụng nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh, trồng và sử dụng thuốc nam, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc thương binh tại nhà dân,…

bai chu 3 lap 003.jpg

Những ngày cận tết, Dân y Cần Thơ tổ chức 2 đoàn cán bộ y tế xuống ấp Tân Thạnh Đông (bờ sông Ba Láng) xã Tân Phước Thạnh, huyện Châu Thành khám bệnh nội khoa, phụ khoa, khám chức năng và cấp Filatov cho đồng bào tại chỗ, có nhiều sinh viên, học sinh và cả vợ con viên chức Ngụy ở thành phố Cần Thơ cũng vào xin khám chữa bệnh. Nhân dân đến đông, đoàn phải phục vụ liên tiếp hai ngày. Du kích địa phương tổ chức canh gác địch ở bót số 10, đề phòng chúng đưa dân biệt kích. Ban ngày phục vụ và ăn nghỉ tại chỗ, ban đêm chuyển đến địa điểm an toàn hơn. Nhân dân ở vùng ven hết sức phấn khởi, lòng tin đối với cách mạng càng tăng lên. Cùng lúc nầy, Dân y khu cũng cử đoàn cán bộ y tế do bác sĩ Mai Chí Phương dẫn đầu xuống các xã vùng ven thành phố khám, chữa bệnh cho đồng bào.

Trước Tết Nguyên đán, bác sĩ Lê Công Tâm, Phó Ban thường trực Dân y khu, người trực tiếp đi kiểm tra mạng lưới ngoại khoa của tỉnh trọng điểm chuẩn bị phục vụ cho tổng tấn công. Lúc nầy xung quanh thành phố Cần Thơ, các cơ sở ngoại khoa có bác sĩ gồm: Châu Thành B, Phụng Hiệp, thành phố Cần Thơ, bệnh xá Dân y tỉnh. Bệnh viện Long Mỹ chưa có bác sĩ, nhưng ở đây có y sĩ ngoại khoa giỏi giải quyết được trung trọng thương. Sau khi kiểm tra, bác sĩ Lê Công Tâm nhận xét: “Đựơc sự chi viện của Dân y khu và sự chỉ đạo sát sao của Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân y Cần Thơ đã chủ động bố trí mạng lưới giải quyết thương tích, chiến tranh khá mạnh và hợp lý cho các tuyến từ tỉnh đến huyện một cách chu đáo, có khả năng giải quyết trung trọng thương tại chỗ trong một chiến trường chia cắt. Cần Thơ có thể coi là mạnh nhất trong khu. Ban Dân y khu có thể yên tâm với cách bố trí như thế và tin tưởng Cần Thơ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống”.
Khi tổng tấn công nổ ra, Dân y khu tăng cuờng cho Cần Thơ một đội phẫu thuật dã chiến, do Bác sĩ Trần Bác Ái - một bác sĩ ngoại khoa trẻ có kinh nghiệm làm đội trưởng. Đội đóng chốt địa bàn Châu Thành A, kết hợp với bệnh xá Châu Thành A tổ chức tiếp nhận thương binh từ trong lộ vòng cung chuyển ra. Có lúc kết hợp với đội phẫu thuật tiền phuơng của Quân khu do bác sĩ Trịnh Phúc Tiến làm đội trưởng. Địch phản kích quyết liệt ra vùng ven thành phố Cần Thơ, nên ban ngày chủ yếu tránh né, ban đêm tổ chức tiếp nhận thương binh và phẫu thuật, khi thương binh ổn định thì vận chuyển về tuyến sau. Trung bình mỗi đêm tiếp nhận 30-40 thương binh, có lúc lên đến 50-70 thương binh một đêm. Nhờ 2 đội kết hợp nên mọi khả năng đều tăng lên cả chuyên môn, nuôi dưỡng, bảo vệ và vận chuyển về tuyến sau khá tốt. Hơn một năm phục vụ chiến trường vòng cung, đội phẫu thuật Dân y khu và bệnh xá Châu Thành A giải quyết hơn 1000 thương binh; ta hy sinh một y sĩ, ba y tá trong đó có một của đội phẫu thuật.

Sau tết Mậu Thân, địch ra sức lấn chiếm vùng giải phóng để mở rộng vành đai bảo vệ cơ quan đầu não vùng 4 chiến thuật. Chúng cho pháo binh, không quân bắn phá liên tục ngày đêm, bộ binh càn quét chà đi xát lại nhiều lần trên một địa bàn, bom B52 rải thảm chất độc da cam diệt mầm xanh, triệt phá địa hình v.v… nhằm tách dần ra vùng chúng kiểm soát, cô lập lực lượng cách mạng để dễ bề tiêu diệt. Chúng đóng đồn bót dầy đặc, khoảng 1000m/1 cái; cơ quan bệnh xá phải phân tán nhỏ, ở giữa 2 đồn địch, vậy mà vẫn tiếp nhận thương binh, mổ xẻ cấp cứu, nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn. Lúc này vai trò của y tế xã hết sức quan trọng, ngoài việc phục vụ tại chỗ, còn tiếp nhận nuôi dưỡng chăm sóc thương binh sức khỏe  đã ổn định. Những gia đình còn bám trụ đều nhận nuôi dưỡng thương binh hết sức hiệu quả. Địch liên tục đánh phá, ngày càng ác liệt, các cơ sở y tế gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thuốc, thiếu gạo; cán bộ y tế hy sinh thương tật ngày càng nhiều. Nhiều cơ sở y tế bị xóa sổ đôi ba lần, phải chi viện mới tiếp tục đựơc.

Theo số liệu tổng kết của Dân y khu, trong kháng chiến chống Mỹ, ngành Y tế Cần Thơ hy sinh nhiều nhất so với các tỉnh trong khu. Nhiều cán bộ y tế Cần Thơ đã anh dũng hy sinh còn để lại hình ảnh tốt đẹp cho mọi người như y tá Lê Thị Thanh Thủy ở bệnh xá huyện Long Mỹ, trong một trận phi cơ bắn phá, đồng chí đưa thương binh xuống hầm và nằm phía trên che đạn cho thương binh an toàn, đồng chí trúng đạn hy sinh. Tỉnh Đoàn Cần Thơ phát động thế hệ trẻ trong tỉnh học tập gương dũng cảm hy sinh bảo vệ thương binh của đồng chí. Hay là y sĩ Nguyễn Văn Thông, từ tỉnh xuống bệnh xá Ô Môn gặp trực thăng võ trang bắn phá, đồng chí chạy trong mưa đạn của trực thăng chuyển thương binh ra hầm an toàn, riêng đồng chí trúng đạn hy sinh. Đồng chí là con một trong gia đình, mẹ Cao Thị Vĩ được nhà nước phong tặng “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Một tấm gương khác là y sĩ Đặng Văn Thu, bảo vệ sức khỏe cho thường vụ tỉnh ủy, trong chuyến đi công tác về huyện Kế Sách với đồng chí Trần Bá Đương, Bí thư tỉnh ủy, gặp trực thăng bắn phá, đồng chí Thu băng ra đồng trống bắn trực thăng, để thu hút hỏa lực địch về phía mình nhằm bảo vệ an toàn cho đồng chí Bí thư tỉnh ủy và đồng chí đã trúng đạn hy sinh. …Còn rất nhiều cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh, hoặc bị thương tật, tra tấn tù đày, nhiễm chất độc da cam…ngày nay còn để hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngành y tế tỉnh Cần Thơ là đơn vị duy nhất trong khu được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Để không hổ thẹn với tiền nhân, các thế hệ thầy thuốc hôm nay và mai sau phấn đấu đưa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với truyền thống anh hùng của ngành y tế Cần Thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Bác sĩ Lê Thành Lập




Đường dây nóng




Số lượng truy cập