Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Từng bước tháo gỡ khó khăn để hướng tới mục tiêu 90-90-90
[ Cập nhật vào ngày (19/11/2015) ] - [ Số lần xem: 1165 ]
BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, phát biểu trong hội thi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho học sinh THPT năm 2015.
BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, phát biểu trong hội thi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho học sinh THPT năm 2015.

Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng ca nhiễm mới, bệnh nhân chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS giảm dần. Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS với chủ đề năm 2015: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AID xoay quanh những vấn đề này.

BS.CKII Nguyễn Quang Thông,

Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS

 * Bác sĩ có thể cho biết đôi nét về tình hình nhiễm HIV/AIDS tại TP Cần Thơ và những khó khăn của địa phương trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90?

Tính đến ngày 31/10/2015, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện là 5.603 người, trong đó tử vong 2.180 người, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 3.423 người. Số người nhiễm HIV/AIDS còn sống/100.000 dân là 277. Trong đó, quận Ninh Kiều có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS/100.000 dân cao nhất (553); tiếp đến là quận Cái Răng (351) và quận Thốt Nốt (335).

Số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện hàng năm có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Số người tử vong do AIDS giảm trong 10 năm gần đây. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục vẫn là chủ yếu (chiếm 86,7%). Về phân bố tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS phát hiện được có xu hướng tăng ở nam giới trong những năm gần đây (năm 2011 là 58,8%; năm 2014 là 67,1%; 9 tháng đầu năm 2015 là 65,9%). Số người nhiễm HIV/AIDS nằm trong nhóm tuổi từ 20-39 tuổi chiếm tỷ lệ 81,2%.

Từ ngày 10/11 đến ngày 10/12, Bộ Y tế phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Có nghĩa, 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Hiện chúng tôi đang băn khoăn về một số khó khăn của thành phố trong việc thực hiện mục tiêu này. Như chúng ta đã biết, kinh phí tài trợ cho hoạt động liên quan đến phòng chống HIV/AIDS đã bị cắt giảm, ngân sách nhà nước thì không đủ bù đắp nhưng thành phố vẫn phải duy trì cung cấp các dịch vụ chăm sóc, điều trị trên diện rộng và có chất lượng (điều trị Methadone, điều trị ARV…). Đây chính là một thách thức lớn của thành phố để thực hiện mục tiêu 90-90-90.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới) có giảm qua hàng năm, nhưng vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới cũng là một khó khăn. Trình độ học vấn trung bình thấp của một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn dẫn đến hành vi bảo vệ sức khỏe và chủ động tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Ngoài ra, kỳ thị và phân biệt đối xử cũng là một trong những rào cản lớn nhất cho việc tiếp cận tới các dịch vụ về HIV/AIDS. Mặc dù cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đã nỗ lực rất nhiều trong những năm qua để thay đổi tình hình, nhưng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến và vẫn đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm,… còn phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nặng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý.

Sắp tới, bệnh nhân điều trị ARV sẽ được chuyển sang nhận dịch vụ của Bảo hiểm Y tế và bệnh nhân điều trị Methadone phải đóng góp một phần chi phí, trong khi phần lớn những bệnh nhân này thuộc diện nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điều trị và sự tuân thủ điều trị liên tục, dẫn đến khó khống chế được tình trạng kháng thuốc. Đây cũng là rào cản để đạt được chỉ tiêu về điều trị và duy trì quản lý ca bệnh.

* Trong thời gian tới, để kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, cũng như hướng tới mục tiêu 90-90-90, công tác phòng chống HIV/AIDS tại TP Cần Thơ sẽ có những giải pháp gì, thưa bác sĩ?

Trước những khó khăn đó, ngành y tế đã có những giải pháp để khắc phục để thực hiện tốt mục tiêu 90-90-90, phải thực hiện từng bước, nâng cao hiệu quả hoạt động sẵn có, triển khai rộng rãi hoạt động mới. Trước hết, cần phải ưu tiên đầu tư cho công tác quản lý và sử dụng số liệu liên quan đến HIV/AIDS từ tuyến thành phố đến xã, phường. Bảo đảm nguồn số liệu chính xác và chất lượng cho dự báo tình hình nhiễm HIV/AIDS. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, vận động xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, huy động họ tham gia và đóng góp vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sử dụng có hiệu quả đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên các điểm giảm hại, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS tại xã/phường, nhân viên y tế ấp/khu vực.

Ngành kiện toàn hệ thống và mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của thành phố, nhất là mạng lưới các phòng khám ngoại trú, các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện để các cơ sở này có đủ chức năng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm hại. Phối hợp với ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng số người nghiện ma túy tiếp cận chương trình Methadone. Ngành cũng tập trung tăng cường phát hiện và điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV. Đây là hoạt động mang tính quyết định để đạt được mục tiêu 90-90-90.

Một công việc mới, quan trọng nữa là triển khai hoạt động tư vấn về việc sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS theo quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BYT ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ Y tế.

* Bác sĩ có thể cho biết thêm để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12/2015 với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, ngành Y tế TP Cần Thơ có những hoạt động gì?

Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015, ngành sẽ triển khai nhiều hoạt động ở cả 3 tuyến từ thành phố đến xã/phường, cụ thể như sau:

- Tuyến thành phố: Tổ chức tọa đàm truyền hình trực tiếp về “Thành phố Cần Thơ hướng tới mục tiêu ‘ba không’ về HIV/AIDS và chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone” trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ. Tổ chức hội trại và triển lãm, đêm văn nghệ truyền thông với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS”,…

Ngoài ra, ngành Y tế còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục về HIV/AIDS trong suốt thời gian thực hiện Tháng hành động quốc gia 2015. Ngành còn đẩy mạnh truyền thông về xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV, điều trị Methadone, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS thông qua cụm truyền thông, khẩu hiệu, băng rôn, phướn tại các địa điểm công cộng.

- Tuyến quận, huyện và xã, phường: Tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại tất cả 9 quận, huyện và 85 xã, phường cùng với sơ kết phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” năm 2015. Đẩy mạnh vận động và truyền thông thay đổi hành vi mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV sớm, dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi-rút cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuyên truyền trên Đài truyền thanh quận, huyện, có tiếp âm đến tận xã, phường về Tháng hành động quốc gia và chủ đề ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2015; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các điểm đông dân cư, nơi công cộng; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đến tận hộ gia đình.

 Xin cảm ơn bác sĩ!

Hương Giang (thực hiện)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập