Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Chất “vàng ô” ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
[ Cập nhật vào ngày (27/05/2016) ] - [ Số lần xem: 1660 ]
Đoàn Thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đang kiểm tra một sạp kinh doanh thịt gia cầm tại chợ An Thới.
Đoàn Thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đang kiểm tra một sạp kinh doanh thịt gia cầm tại chợ An Thới.

Auramine O (còn gọi là vàng ô) là một loại thuốc nhuộm diarylmetan được dùng để nhuộm huỳnh quang trong sinh học. Ở dạng tinh khiết, tinh thể Auramine O có hình kim màu vàng, rất dễ tan trong nước và có thể tan trong ethanol. Vàng ô là chất màu tổng hợp, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm nhiều sản phẩm như vải, giấy, gỗ… và dùng để làm màu sơn quét tường. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IARC) chất Vàng ô là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.

Tràn lan chất Vàng ô trong thực phẩm

Tại Việt nam nói chung và Cần Thơ nói riêng, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm nào có liên quan đến chất vàng ô. Tuy nhiên, với tình hình thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất tràn lan như hiện nay thì việc chất vàng ô được sử dụng trong thực phẩm là vấn đề người dân quan tâm và lo ngại. Đáng lo ngại nhất là mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phát hiện chất vàng ô được dùng để tạo màu vàng hấp dẫn cho những loại thức ăn phổ biến trong bữa ăn gia đình như: thịt gà, vịt, măng, dưa cải muối, v.v... khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Những món ăn phát hiện có chất cấm vàng ô này đều là những món ăn khoái khẩu của người Việt.

Chất vàng ô độc hại đến mức IARC đã xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao. Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 42 về danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, bổ sung 5 loại Vàng ô vào danh mục này gồm: Vat Yellow 1, Vat Yellow 2, Vat Yellow 3, Vat Yellow 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm.

Với người tiếp xúc với Vàng ô có thể có những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, bị tổn thương gan và thận. Vùng da tiếp xúc trực tiếp có thể bị sưng phồng, rộp, đau hay tấy đỏ; nếu hít phải có thể bị khó thở.

Cách nhận biết thực phẩm bị nhiễm chất Vàng ô

Trong “ma trận” thực phẩm nhiễm bẩn, nhiễm các chất độc hại như hiện nay, các bà nội trợ luôn phải đau đầu khi đi chợ nấu bữa cơm ngon, bổ, chất lượng cho các thành viên trong gia đình. Chất Vàng ô tan trong nước nhưng không thể rửa sạch hết vì chất này có thể thấm sâu vào trong thực phẩm; với nhiệt độ cao thì không làm mất đi chất này, nên có thể nói là việc rửa, trụng hay nấu chín thực phẩm không làm mất đi tác dụng độc hại của thực phẩm bị ô nhiễm.

Người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng các thực phẩm có màu sắc tự nhiên, hạn chế mua những thực phẩm có màu sắc "đẹp bất thường" như măng vàng, gà da vàng cam, xôi gấc quá cam, hạt dưa đỏ, mứt bánh màu mè v.v... Đối với một số loại thực phẩm thông thường, người tiêu dùng có thể lựa chọn theo những khuyến cáo sau:

Thịt gia cầm: Theo các chuyên gia, người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen chọn thịt gà theo cảm quan màu sắc; hãy lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Khi mua gia cầm được làm thịt sẵn, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng thì có màu vàng đậm, mỡ màu  vàng; thịt nhìn thấy tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi; da không có vết tụ máu, hay bầm tím. Có một cách rất dễ để người tiêu dùng phân biệt gà, vịt nhuộm màu độc hại là da của gia cầm có màu vàng óng đẹp và đều, nhưng phần mỡ lại trắng (do bên trong của những con gia cầm này không bị chuyển màu).

Măng: Măng không hóa chất do được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng ô. Bằng mắt thường, khi thấy măng có bề ngoài nhẵn, bóng thì không nên mua. Khi chế biến, với tất cả các loại măng mua về mọi người nên ngâm qua nước một thời gian, sau đó luộc kỹ bỏ nước rồi mới sơ chế. Điều này sẽ làm bay hơi độc tố có sẵn trong măng. Người tiêu dùng cần tránh mua măng bóng đẹp, bắt mắt, vỏ ngoài láng mịn, sờ vào có cảm giác dính tay.

Dưa cải muối: Dưa cải muối có đặc điểm nước màu xanh tự nhiên, nên lựa chọn dưa cải muối có đặc điểm màu xanh - vàng (nhiều xanh hơn); dưa cải muối sạch có đặc tính vài tuần là hỏng rõ ràng; có mùi chua tự nhiên rõ rệt. Không nên chọn loại dưa phần cuống dày bên ngoài vàng mà trong xanh.

Lưu ý: Để có bữa ăn an toàn, hợp vệ sinh và đảm bảo sức khỏe, các bà nội trợ cần chú ý thực hiện đúng 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm (WHO) như sau:

- Chọn thực phẩm an toàn.

- Nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.

- Ăn ngay sau khi nấu.

- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín.

- Nấu lại thức ăn thật kỹ trước khi ăn.

- Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và thức ăn sống với bề mặt bẩn.

- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.

- Giữ sạch bề mặt chế biến thức ăn.

- Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và động vật khác.

- Sử dụng nguồn nước sạch và an toàn.

Tin ảnh: BS.CKI Châu Ngọc Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập