Thứ Tư, ngày 24-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật
[ Cập nhật vào ngày (27/05/2016) ] - [ Số lần xem: 1588 ]
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Nguồn: Internet
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2015, cả nước đã ghi nhận gần 400.000 người bị chó cắn; phải đi điều trị dự phòng và đã có 78 người tử vong tại 29 tỉnh, thành phố. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, có 18 người bị tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại thành phố Cần Thơ, năm 2015 đã ghi nhận hơn 10.000 người bị chó cắn, phải đến cơ sở y tế. Mặc dù chưa ghi nhận ca tử vong nhưng để công tác phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả cao trong mùa hè sắp tới, giảm thiểu số trường hợp chó cắn người, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, hạn chế lây truyền bệnh dại cho người, UBND TP Cần Thơ có công văn số 1215/VPUB-KT ngày 19 tháng 5 năm 2016 đề nghị các sở, ban ngành có liên quan tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật.

* Bệnh dại là gì ?

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.

Thời gian ủ bệnh thông thường là từ 1- 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng); hoặc có trường hợp liệt (thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê. Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

*Làm gì khi bị chó, mèo cắn?

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau khi bị chó, mèo cắn:

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo. Lưu ý: Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa. 

*Khuyến cáo phòng chống bệnh dại

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh dại là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng dại triệt để, hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn phổ biến làm cho số người bị chó cắn tăng cao, nhiều người bị chó cắn đã chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng, bị phát bệnh dại và tử vong.

Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm, không để chó chạy rông bên ngoài và không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

BS.CKII Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập