Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Thành phố Cần Thơ tập trung triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số
[ Cập nhật vào ngày (24/01/2017) ] - [ Số lần xem: 1322 ]
CLB ca hát nhạc truyền thống người cao tuổi phường Thới Bình tập dợt văn nghệ hàng tuần tại UBND phường.
CLB ca hát nhạc truyền thống người cao tuổi phường Thới Bình tập dợt văn nghệ hàng tuần tại UBND phường.

Từ năm 2015, Thành phố Cần Thơ đã đạt dưới mức sinh thay thế 1,58 con, tỷ suất sinh 12,27%0, mức giảm sinh 0,01%0; tốc độ tăng dân số 9%0. Do đó, ngành dân số hiện đang tập trung vào các mô hình nâng cao chất lượng dân số như Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên... Các mô hình này được xây dựng và phối hợp với ban ngành đoàn thể, cộng tác viên dân số tổ chức sinh hoạt bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động theo từng chuyên đề cho hội viên, nhóm phụ nữ tiết kiệm, hội nông dân, hội người cao tuổi, học sinh, sinh viên lứa tuổi vị thành niên- thanh niên và các bà mẹ mang thai.

NANG-CAO-CHAT-LUONG-DAN-SO---2017_9600-(1).jpg

BS.CKI Nguyễn Xuân Thảo - Trưởng khoa Khám bệnh khám thai và tư vấn xét nghiệm sàng lọc trước sinh.

Mô hình sàng lọc trước sinh - sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh giúp cho các thai phụ phát hiện, can thiệp sớm bệnh, dị tật thai nhi và sơ sinh để từ đó loại bỏ những dị tật bẩm sinh, rối loại di truyền và các căn bệnh khác để lại khi trẻ sinh ra. Trong năm 2016, có 7.857 trẻ sinh ra được lấy máu gót chân và 5.909 ca thai phụ được sàng lọc trước sinh tại bệnh viện phụ sản thành phố và bệnh viện đa khoa các quận, huyện. Qua sàng lọc đã phát hiện 55 trẻ thiếu men G6PD, 6 trẻ suy giáp bẩm sinh, 7 ca tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh và có 144 ca thai nhi bất thường.

Về mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thành phố phấn đấu duy trì cân bằng tỷ lệ về giới tính để tránh tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của Thành phố Cần Thơ là 106 bé trai/ 100 bé gái, trong khi đó tỷ lệ bình quân cả nước năm 2014 là 112 bé trai/100 bé gái.

Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp giảm thiểu các bệnh tật ảnh hưởng tới sức khỏe cho đối tượng vị thành niên; tăng cường giáo dục và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên - thanh niên nhằm phòng ngừa có thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai không an toàn ở mức thấp nhất.

Đặc biệt, mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng  được duy trì tại 12 xã/phường/thị trấn trên toàn thành phố đã giúp cho các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Hàng tháng, cán bộ chuyên trách dân số phối hợp với hội người cao tuổi địa phương tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi nhằm tuyên truyền về cách chăm sóc sức khỏe và chia sẻ kinh nghiệm để có sức khỏe tốt đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số nên nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao thể hiện qua sự thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe, từ đó chất lượng dân số trên địa bàn thành phố Cần Thơ từng bước được nâng lên.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đến năm 2020, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh mới sinh xuống còn 1,5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 10%; tăng tuổi thọ bình quân của người dân lên 75 tuổi, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số.

Đây là một trong những mục tiêu trọng tâm của Thành phố Cần Thơ khi thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2020. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới ngành Dân số cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở các cấp theo hướng chuyên sâu và ổn định lâu dài; Xây dựng và củng cố mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên có kiến thức, am hiểu về đối tượng, có kỹ năng truyền thông để tham gia các hoạt động tuyên truyền của mô hình; Tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp.

Ngoài các biện pháp nêu trên, hàng năm, ngành Dân số sẽ ký kết hợp đồng trách nhiệm với ban ngành, đoàn thể các cấp nhằm lồng ghép các cuộc sinh hoạt để truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về DS- KHHGĐ đến các đối tượng nhằm nâng cao sức khỏe về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Đồng thời, triển khai và nhân rộng có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trong và ngoài nhà trường cho vị thành niên và thanh niên nhằm giúp các em có kỹ năng sống và có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản để phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn.

BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Đảnh - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - KHHGĐ TPCT




Đường dây nóng




Số lượng truy cập