|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tăng cường giám sát nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh
[ Cập nhật vào ngày (15/08/2014) ]
- [ Số lần xem: 1226 ]
 Ngày 5/8 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Tại hội nghị, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khẩu hiệu “No Action Today, No Cure Tomorrow” tạm dịch “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Bộ Y tế Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này, cụ thể đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013). Mục tiêu của kế hoạch là: Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; Tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; Bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; Tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Trong mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay, bệnh lý nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó, việc sử dụng kháng sinh rất cần thiết trong điều trị. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp như sử dụng phối hợp nhiều loại kháng sinh cùng một lúc, kê đơn kháng sinh không cần thiết đối với trường hợp không nhiễm khuẩn v.v… làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Theo kết quả khảo sát 443 hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Trung ương Huế năm 2012 cho thấy, chỉ có duy nhất một hồ sơ bệnh án sử dụng một loại kháng sinh, 43 hồ sơ có sử dụng 2 loại kháng sinh; trong khi đó nhiều nhất là sử dụng 3 loại kháng sinh, thậm chí có 34 hồ sơ bệnh án sử dụng đến hơn 6 loại kháng sinh.
Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh không những xảy ra tại các cơ sở điều trị mà còn ở các hiệu thuốc, nơi người dân có thể mua và tự ý sử dụng mà không cần bác sĩ kê đơn. Một khảo sát được thực hiện năm 2010 với gần 3.000 nhà thuốc ở cả nông thôn và thành thị ở các tỉnh phía Bắc cho kết quả như sau:
Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn và đa số kháng sinh được bán không theo đơn của bác sĩ (88% ở thành thị và 91% ở nông thôn). Doanh số bán thuốc kháng sinh đóng góp một tỉ lệ trong tổng doanh thu của hiệu thuốc là 13,4% ở thành thị và gần 19% ở nông thôn.
Kiến thức về kháng sinh cũng như vi khuẩn đề kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Tại hội nghị, thông tin được công bố cho thấy Việt Nam chưa có mạng lưới giám sát quốc gia về kháng thuốc, hệ thống giám sát chỉ được thiết lập và triển khai ở một số đơn vị như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bẹnh viện Bạch Mai, Bẹnh viện Nhi Đồng 1, nhưng hoạt động giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Hơn nữa, việc thiếu các labo xét nghiệm có thể xác định chính xác vi khuẩn đề kháng đã gây khó khăn cho việc phát hiện các vi khuẩn đề kháng mới xuất hiện.
Các biện pháp hành động chống kháng thuốc chủ yếu là thuốc kháng sinh đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc trong ngành y tế và nông nghiệp. Riêng đối với ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đề nghị các bệnh viện thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đảm bảo hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh và kháng thuốc; thiết lập hệ thống quốc gia về kháng thuốc và báo cáo kháng thuốc; Quản lý việc bán thuốc theo đơn; tăng cường công tác tuyên truyền về kháng kháng sinh…. Bộ sẽ yêu cầu sở y tế các địa phương, các bệnh viện tăng cường kiểm tra đột xuất việc kê đơn, mua bán thuốc kháng sinh tại các bệnh viện và các nhà thuốc nhằm chấn chỉnh từng bước với lộ trình cụ thể trong thời gian sắp tới.
TS Lê Ngọc Của - Sở Y tế TP Cần Thơ
-
In bài viết
|
|
|
|
|