Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh
quan trọng, nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng
trong chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt, BHYT luôn là điểm tựa cho người nghèo,
người bệnh nặng khi không may mắc bệnh hiểm nghèo…
Anh N.T.C (ngụ ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) mắc bệnh ung thư trực
tràng, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ gần 3 năm nay. Anh
C. cho biết, mỗi toa thuốc điều trị của anh có khi tốn hàng chục triệu đồng,
tuy nhiên nhờ có thẻ BHYT nên anh chỉ đóng 20% trên tổng số tiền thuốc. Theo
các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, điều trị cho một bệnh nhân ung thư rất
tốn kém vì chi phí thuốc “đắt đỏ”, thời gian điều trị lâu dài, nếu người bệnh
có tham gia BHYT thì sẽ đỡ được phần nào gánh nặng viện phí. Anh C. chia sẻ: “Đối
với tôi, tấm thẻ BHYT giống như bùa hộ mệnh vậy, không có BHYT thì khi ngã bệnh,
gia đình chẳng thể xoay xở được vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.
Tại Đơn vị Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, mỗi
ngày tiếp nhận điều trị cho khoảng 140 bệnh nhân suy thận mãn tính trên địa bàn
thành phố và các tỉnh lân cận. Những người bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối mỗi
tuần phải lọc thận ba lần. Chi phí điều trị cho một bệnh nhân suy thận mãn giai
đoạn cuối là một số tiền rất lớn, bình quân một tháng trên 45 triệu đồng.
Anh N.P.T, 32 tuổi, nhà ở xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh
Vĩnh Long đang điều trị lọc thận tại bệnh viện kể: “Suốt ba năm đầu lọc thận ở
đây, hai mẹ con tôi hàng ngày ăn cơm từ thiện, mẹ tôi “ai mướn gì làm nấy” để
kiếm tiền cho tôi chạy thận. Cứu cánh duy nhất của tôi trong những năm qua là tấm
thẻ BHYT. Nhờ có nó mà chi phí chạy thận giảm rất nhiều. Không có BHYT, chắc giờ
tôi không sống được đến bây giờ”.
Ngược lại, đối với trường hợp gia đình chị N.H.T (ở quận
Bình Thủy, TP Cần Thơ) do không có thẻ BHYT nên phải vay mượn khắp nơi để lo viện
phí cho người mẹ bất ngờ trở bệnh nặng đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích
cực – Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Gia đình khó khăn, chị T.
đi làm thuê nên chỉ lo được bữa ăn hàng ngày và nghĩ mẹ không bệnh nhiều nên chưa
cần thiết mua BHYT. Bất ngờ phát bệnh, vì không có thẻ BHYT nên gia đình chần
chừ nhập viện; các bác sĩ tại khoa cho biết mẹ chị T. mắc bệnh lao màng não và
lao phổi nặng, phải truyền máu liên lục nên chi phí một ngày lên tới 10 triệu đồng.
Đây là số tiền không nhỏ đối với gia đình chị T. Ngồi bên ngoài Khoa ICU, chị T.
tiếc nuối: “Vì gia đình khó khăn, cũng không nghĩ mẹ mắc bệnh nặng như thế nên
tôi chủ quan không mua BHYT. Giờ thấy cảnh mẹ nằm bệnh mà không đủ tiền lo điều
trị, phải vay mượn khắp nơi mới biết BHYT quan trọng thế nào”.
BS.CKII Phan Thị Phụng, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Đa khoa
TP Cần Thơ cho biết: “Hiện tại Khoa đang chăm sóc, điều trị cho 32 bệnh nhân,
trong đó cũng có vài trường hợp bệnh nhân không có BHYT. Khi không có thẻ, bệnh
nhân rất thiệt thòi vì không được hưởng các quyền lợi, đa số bệnh nhân vào đây
là bệnh nặng nên chi phí điều trị rất nhiều và tốn kém”.
Theo Cử nhân Nguyễn Thị Lợt, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng - Tổ
trưởng Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, vẫn còn nhiều người bệnh
khi đến bệnh viện điều trị không có thẻ BHYT, bên cạnh đó hoàn cảnh gia đình
khó khăn nên không có khả năng chi trả. Tổ Công tác xã hội bệnh viện đã tiếp cận,
tìm hiểu gia cảnh người bệnh, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ lo viện phí, mua
thẻ BHYT cho các bệnh nhân đặc biệt khó khăn.
Bệnh tật là điều không ai mong muốn, nếu như chẳng may mắc bệnh,
nhất là các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận mãn… thì chi
phí khám chữa bệnh rất cao. Nếu không tham gia BHYT, khi viện phí tăng, đau ốm
bất ngờ, người bệnh sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn, thậm chí không có tiền để
chữa bệnh.
Vì vậy, việc tự ý thức chăm lo bản thân, gia đình là điều rất
cần thiết và tham gia BHYT chính là cách để mỗi người đảm bảo quyền lợi về tài
chính trong chăm sóc sức khỏe. Việc chủ động tham gia BHYT không chỉ để phòng
lúc ốm đau, bệnh tật, mà còn là sự sẻ chia giữa người khỏe cho người ốm, người
trẻ cho người già, người giàu cho người nghèo, thể hiện tinh thần “tương thân,
tương ái”, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.