Chủ Nhật, ngày 06-07-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Y học dự phòng
Khắc phục khó khăn thường gặp khi cho con bú
[ Cập nhật vào ngày (02/08/2018) ] - [ Số lần xem: 1518 ]
Cán bộ y tế Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tư vấn cho bà mẹ về cách xử trí những vấn đề thường gặp khi cho con bú.
Cán bộ y tế Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tư vấn cho bà mẹ về cách xử trí những vấn đề thường gặp khi cho con bú.

Cho con bú sữa mẹ dù nghĩ là chuyện tự nhiên nhưng vẫn là kỹ năng mà người mẹ cần phải học hỏi, làm quen, thực hành đúng. Một số phụ nữ có thể thuận lợi dễ dàng cho con bú sữa mẹ từ buổi đầu tiên, nhưng một số khác có thể gặp nhiều trở ngại trong giai đoạn cho con bú, làm ảnh hưởng đến nguồn sữa để nuôi con. Tuy nhiên, các bà mẹ đừng quá lo lắng vì những khó khăn đều có thể giải quyết.

Chị Lâm Đ.T.D (28 tuổi, ngụ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi mới sinh bé gái được 3,7kg. Sau sinh, mặc dù bé được cho bú sớm nhưng ngày đầu tiên sữa chậm về nên bé quấy khóc suốt, sau đó nhờ sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ về cách ăn uống, cho bé bú, massage tuyến sữa, nên những ngày sau đó, tôi đã có đủ sữa cho con bú”.

Theo CNHS Lê Thị Chiến, Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, những ngày đầu sau sinh, người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi do cơ thể suy yếu, áp lực về tâm lý sau sinh, nhất là ở những bà mẹ sinh mổ lại càng gặp khó khăn hơn do đau vết mổ, di chuyển khó, chưa biết cách cho con bú, núm vú phẳng như bị tụt vào trong, đặc biệt những sản phụ sinh con lần đầu có những yếu tố về tâm lý như lo lắng, stress, trầm cảm, đôi khi có những sản phụ bị ảnh hưởng về tình cảm gia đình,... cũng làm tác động đến tình trạng tiết sữa, khiến người mẹ chậm có sữa cho con bú. Do đó, gia đình cũng như nhân viên y tế cần hỗ trợ, tạo sự gần gũi, thân thiện, động viên để giảm lo lắng, căng thẳng cho các bà mẹ, sản phụ; cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách, tư vấn massage tuyến sữa để có đủ sữa cho con bú lúc này. Quy trình massage tuyến sữa cho bà mẹ sau sinh được Bệnh viện Phụ sản áp dụng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế có thể giúp bà mẹ kích thích tuyến sữa, tăng tiết sữa về sớm nhanh hơn, phòng tắc tia sữa sau sinh, cũng như giải áp lượng sữa còn tồn nếu bé bú không hết…

Vào những ngày đầu cho con bú, các bà mẹ cũng thường hay bị đau đầu vú. Tình trạng này là do tư thế bú không đúng và em bé ngậm bắt vú chưa tốt. Bà mẹ thử thay đổi tư thế, tùy điều kiện bà mẹ có thể cho bé bú ở tư thế nằm hoặc ngồi, đảm bảo thoải mái, thư giãn, con bú no, và không bị đau. Khi em bé nằm đúng vị thế lúc bú, ngậm bắt vú đúng, bà mẹ sẽ thấy bé dễ dàng ngậm trọn vẹn đầu vú, miệng trẻ mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài, cằm trẻ chạm vào vú mẹ, bé thở tự nhiên, có thể nghe được em bé nuốt sữa. Trường hợp núm vú có biểu hiện nứt, bà mẹ lưu ý dùng nước ấm sạch để vệ sinh vú, lau khô bằng khăn mềm; cho bé bú bên vú còn lại, hạn chế cho bé bú bên vú bị tổn thương, chờ vết nứt lành rồi tiếp tục cho bé bú. Nếu đau quá không cho bé bú được, bà mẹ nên vắt sữa ra để tránh bị căng sữa.

Ngoài ra, một vấn đề mà các bà mẹ cho con bú hay gặp ở những tuần sau sinh đó là tắc tia sữa. Biểu hiện tắc tia sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường, càng lúc càng tăng lên gây đau nhức, sữa không tiết được ra ngoài hoặc chỉ tiết rất ít, dùng tay vắt cũng không ra sữa, bầu vú sờ vào thấy cứng, chắc, nóng ấm, bà mẹ còn có thể bị sốt nhẹ. Nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú. Nguyên nhân tắc tia sữa thường do ống dẫn sữa bị tắc, sữa quá nhiều mà bé bú không hết, gây ứ đọng sữa và viêm tắc. Trường hợp này, bà mẹ có thể dùng các biện pháp: chườm nóng bầu vú, massage tuyến sữa và vắt hết lượng sữa thừa, vệ sinh vú và cho bé ngậm bắt vú đúng (như đã nói ở trên); nếu biểu hiện sưng, đau nhức quá nhiều, bà mẹ nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định.

Để phòng ngừa viêm tắc sữa và giữ bầu sữa tốt, bà mẹ sau khi sinh cần cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt, mẹ chưa có sữa hoặc ít sữa vẫn cho bé tiếp tục bú mẹ, trước khi cho trẻ bú, vệ sinh sạch bầu vú, núm vú. Trường hợp sữa mẹ quá nhiều, trẻ bú không hết phải vắt hết lượng sữa thừa; cho trẻ bú hết vú bên này rồi sang vú bên kia. Đồng thời, quan tâm chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, để có đủ sữa cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.


5 bước thực hiện massage tuyến sữa cho bà mẹ sau sinh

Bước 1: Chườm khăn ấm hai bên vú (5 phút)

Massage từng bên vú nhẹ nhàng. Dùng hai ngón tay nhẹ nhàng xoay tròn từ vùng ngoài bờ trên bầu vú xuống núm vú, xoay cả bầu vú, xong qua vú bên kia (tay trái massage bên vú phải, tay phải massage vú bên trái), khoảng 3-4 phút.

Bước 2: Dùng nắm tay vuốt nhẹ nhàng từ trên xuống đầu vú (theo chiều ống dẫn sữa), khắp cả hai bầu vú tay bên nào thì massage bên vú đó, khoảng 1-2 phút/bên.

Bước 3: Tựa ngón tay cái và các ngón khác ở quầng vú, vay tròn đều vùng quầng vú, massage nhẹ nhàng vòng quanh quầng vú lên xuống các đầu dây thần kinh (kích thích tiết oxytocin), khoảng 1-2 phút. Tay trái massage bên vú phải, tay phải massage vú bên trái.

Bước 4: Dùng khăn vải mềm thấm nước lau nhẹ nhàng vay vùng núm cho thật sạch xung quanh núm vú (2 phút).

Bước 5: Dùng ngón tay cái để phía trên cách quầng vú 2-4cm, các ngón còn lại chụm lại hình chữ C nâng bầu vú và ấn ngực một cách nhịp nhàng, cho sữa tiết ra, dùng ly sạch hứng sữa (4-5 phút/bên).

(Trích theo: Quy trình massage tuyến sữa cho bà mẹ sau sinh - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ)


Bài, ảnh: Hải Ân




Đường dây nóng




Số lượng truy cập