Hội nghị triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022
Ngày 26/8/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần
Thơ tổ chức Hội nghị trực truyến triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bại
liệt (IPV) trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022. Ông Trần Trường Chinh, Phó
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đến dự và chủ trì hội
nghị.
Tham dự hội nghị tập huấn trực tuyến có đại diện Ban Giám hiệu
và cán bộ y tế các trường học trên địa bàn có đối tượng trẻ (sinh từ 1/3/2016 đến
ngày 28/2/2018) tiêm vắc xin bại liệt (IPV) theo Kế hoạch; Lãnh đạo Trung tâm Y
tế quận/huyện; các khoa/phòng liên quan; Lãnh đạo Trạm Y tế xã/phường và cán bộ
phụ trách tiêm chủng mở rộng.
Các đại biểu dự đã được cán bộ Khoa Phòng chống bệnh Truyền
nhiễm Kiểm dịch Y tế - Quốc tế triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt
(IPV) trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022 và thông tin về vắc xin tiêm bại
liệt (IPV).

Lãnh đạo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm
dịch Y tế quốc tế triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) trên
địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022.
Theo kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 29/7/2022 của UBND thành
phố về việc triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) trên địa
bàn thành phố năm 2022, thời gian triển khai chiến dịch tiêm dự kiến vào tháng
9/2022, cụ thể từ ngày 14 đến 17/9/2022 tại 9 quận/huyện trên địa bàn thành phố.
Trẻ thuộc đối tượng tiêm bổ sung là những trẻ trong độ tuổi từ 4-6 tuổi sinh ra
từ ngày 1/3/2016 đến ngày 28/2/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong chương
trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Theo điều tra, tổng số trẻ trong nhóm đối
tượng cần tiêm bổ sung vắc-xin phòng bại liệt (IPV) trên địa bàn thành phố là
28.659 trẻ. Lưu ý không tiêm vắc xin IPV cho những trẻ đã được tiêm vắc xin phối
hợp có chứa thành phần bại liệt trước đây.
Vắc xin bại liệt tiêm (IPV) là vắc xin bại liệt bất hoạt.
Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR có tên thương mại là IMOVAX POLIO
do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất. Thành phần gồm 3 týp vi rút bại
liệt bất hoạt (týp 1, 2 và 3). Vắc xin IMOVAX POLIO tuân theo các tiêu
chuẩn kỹ thuật của Dược điển châu Âu và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế
giới (WHO). Vắc xin có dạng dung dịch được đóng lọ 5ml (10 liều/1 lọ). Hộp 10
lọ.
Vắc xin IPV cần được bảo quản ở nhiệt độ +2°C đến
+8°C và
tránh ánh sáng. KHÔNG được làm đông băng vắc xin. Khi vận chuyển vắc xin
hoặc bảo quản vắc xin trong buổi tiêm chủng KHÔNG để vắc xin tiếp xúc
trực tiếp với đá hoặc bình tích lạnh.
Cũng giống như các vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin có thể
gặp phản ứng không mong muốn, các phản ứng thông thường tại chỗ tiêm như đau,
quầng đỏ, phản ứng sốt vừa thoáng qua, phản ứng khác rất hiếm gặp.
Khi cho trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ở lại
30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu
có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại
nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng: Người theo dõi trẻ phải là người trưởng
thành và biết chăm sóc trẻ; quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè
vào chỗ tiêm; Cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm,
thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm; Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí
tiêm. Các dấu hiệu cần theo dõi: tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát
ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…), trẻ sốt cần cặp nhiệt độ. Nếu phát hiện
bất thường gì về sức khỏe của trẻ thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp
thời xử lý.
Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu: quấy khóc
dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ, rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch;
sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; da nổi vân
tím, chi lạnh.
Lưu ý cho các bà mẹ về việc sử dụng thuốc tại nhà: Dùng thuốc
theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, không tự ý dùng thuốc. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt
độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc
lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế; dùng thuốc hạ sốt theo hướng
dẫn của cán bộ y tế.