Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã hạn chế và hướng tới
việc cấm sử dụng Amiăng nhưng tại Việt Nam việc sản xuất và sử dụng các sản
phẩm có chứa Amiăng vẫn còn phổ biến. Thực tế, vẫn còn khá nhiều ngành nghề ở Việt
Nam có liên quan đến Amiăng, gây tác động xấu về sức khỏe và môi trường như
nghề khai thác mỏ serpentine; sản xuất và gia công tấm lợp Amiăng – xi măng
(còn gọi là tấm lợp fibro - xi măng); sản xuất và gia công má phanh, vòng điện,
vật liệu cách nhiệt, cách điện; sản xuất phân bón NPK; xây dựng, sửa chữa và
phá dỡ các tàu biển, công trình, nhà cửa, thiết bị sử dụng vật liệu cách điện,
cách nhiệt, cách âm, chống cháy, chống ẩm có chứa Amiăng; đóng gói, khuân vác,
vận chuyển và lưu giữ các bao Amiăng và vật liệu xây dựng có chứa Amiăng, xử lý
chất thải có chứa Amiăng…
Các loại Amiăng:
Amiăng là chất khoáng dạng sợi, bản chất là silicat. Thành
phần gồm: SiO2 ở dạng kết hợp với các kim loại khác như: magie, sắt, can-xi… Dựa
vào thành phần hóa học, hình dáng và kích thước, Amiăng được chia làm hai nhóm:
+ Nhóm Serpentine: chrysotile (Amiăng trắng) là loại Amiăng
duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay, nhất là ở các nước
đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, loại Amiăng trắng này đã bị
cấm sử dụng và tiêu thụ dưới mọi hình thức tại nhiều quốc gia phát triển.
+ Nhóm Amphibole gồm: Actinolite, Amosite (Amiăng nâu),
Crocidolite (Amiăng xanh), Tremolite, Anthophylite. Gọi chung là Amiăng màu đã
bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và không còn lưu thông từ cách đây 20
năm.
Amiăng được biết đến từ nhiều thế kỉ trước và đang được sử
dụng trong hàng nghìn loại sản phẩm thương mại, công nghiệp và gia dụng ở các
nước trên thế giới. Amiăng được sử dụng vì có đặc tính bền, cách nhiệt, cách âm,
chống ma sát.
Tác hại của Amiăng đối với sức khỏe: Amiăng xâm nhập vào cơ
thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng
hít phải bụi hô hấp có chứa bụi Amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc
phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền trộn, khoan, nổ
mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các
tấm lợp, vật liệu có chứa Amiăng, sử dụng các vật liệu Amiăng để làm đường, đổ
làm móng nhà…
Tác hại của Amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng
được biết đến là gây bệnh bụi phổi - Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung
biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và
dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với Amiăng thường
phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20 - 30 năm nên thường đến khi người lao
động nghỉ hưu mới mắc bệnh.
Khuyến cáo của ngành Y tế: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến Amiăng, ngành y tế khuyến cáo:
Đối với người lao động:
- Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo chất lượng
(khẩu trang chuyên dụng, quần áo bảo hộ lao động)
- Không được rũ bụi hay dùng thiết bị phun khí để làm sạch
bụi trên trang phục bảo hộ lao động. Để làm sạch bụi trên quần áo nên dùng máy
hút bụi có bộ lọc HEPA hoặc lau chùi ướt.
- Cần để trang phục bảo hộ lao động đã nhiễm bụi và các túi,
thùng chứa làm bằng chất liệu không thấm nước, buộc, đậy kín.
- Không được mang quần áo lao động, các trang phục bảo hộ
lao động về nhà.
- Không được ăn uống kể cả nhai kẹo cao su tại nơi làm việc.
- Không tổ chức lưu trữ, bán thức ăn, đồ uống tại khu vực làm việc.
- Không hút thuốc lá tại nơi làm việc.
- Cần tắm, rửa sạch sẽ trước khi về nhà.
- Định kỳ khám, chụp phim X- quang phổi, đo chức năng hô hấp
để kiểm tra để được phát hiện bệnh và điều trị.
Đối với người dân:
- Nếu gia đình đang sử dụng vật liệu chứa Amiăng nên có kế
hoạch tìm vật liệu thay thế.
- Tránh làm vỡ các vật liệu chứa Amiăng, gây phát tán bụi Amiăng
ra môi trường.
- Khi tháo dỡ tấm lợp, ngói, tấm ốp trần có chứa Amiăng:
trước hết cần làm ướt các tấm ốp, tấm lợp; không đập vỡ; không làm bể vụn,
không sử dụng máy khoan, máy cắt để tháo dỡ.
- Xếp gọn các vật liệu thải loại vào nơi an toàn; đối với
các mảnh vỡ nhỏ cần làm ướt, cho ngay vào túi nhựa hai lớp và thông báo với cơ
quan môi trường để xử lý.
- Không sử dụng tấm lợp Fibro - xi măng để lát đường, lát
nền, làm vách nhà…
- Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa Amiăng
và có nguy cơ tiếp xúc với Amiăng, khi có các biểu hiện bệnh đường hô hấp cần
đi khám và báo cho cơ quan y tế để được kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp
thời.
Thông điệp cơ bản của WHO đưa ra năm 2006 về loại trừ các
bệnh có liên quan đến Amiăng đã khẳng định: “Cách hiệu quả nhất để loại trừ các
bệnh liên quan đến Amiăng là chấm dứt sử dụng tất cả mọi hình thức của Amiăng”.
BS Nguyễn Nhân Nghĩa - Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP Cần Thơ