Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường,
lúc đầu có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ ảnh hưởng nhẹ đến tầm nhìn
nhưng về sau bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến mù loà. Bệnh võng mạc tiểu
đường có thể phát triển cho người có bệnh tiểu đường type 1 hay type 2. Để bảo
vệ mắt, chúng ta hãy nghiêm túc phòng bệnh bằng cách cẩn thận kiểm soát lượng
đường trong máu và lập lịch trình khám mắt hàng năm.
Bác sĩ chuyên khoa II Mai Hoàng Trí, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh
viện Mắt - Răng Hàm Mặt thành phố Cần Thơ
sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh này.
1. Các yếu tố nguy cơ
- Thời gian mắc bệnh là quan trọng nhất. Người ta thấy rằng
sau khi mắc bệnh tiểu đường vào khoảng 5 năm thì bắt đầu có dấu hiệu tổn hại ở
võng mạc. Quá trình mắc bệnh lâu dài cũng như tỷ lệ đường trong máu cao làm bệnh
võng mạc tiến triển nhanh.
- Sự kiểm soát đường huyết tốt: không ngăn chặn được bệnh lý
võng mạc tiểu đường mà chỉ là điều kiện để kìm hãm sự phát triển của bệnh.
- Những yếu tố phối hợp làm nặng thêm võng mạc tiểu đường:
+ Thai kỳ
+ Cao huyết áp
+ Bệnh lý thận
+ Những yếu tố thuận lợi khác: béo phì, tăng lipid máu, hút
thuốc lá, thiếu máu.
2. Tình hình bệnh Võng mạc tiểu đường (VMTĐ) trên thế giới
và ở Việt Nam như thế nào?
- Bệnh VMTĐ là biến chứng của bệnh tiểu đường lên võng mạc,
bệnh gây ra những tổn thương trên võng mạc làm cho bệnh nhân có biển hiện nhìn
mờ và cuối cùng dẫn đến mù lòa. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây mù
lòa ở các nước Âu, Mỹ.
- Trên thế giới: bệnh VMTĐ chiếm 90% những người bị tiểu đường
trên 10 năm.
- Ở Việt Nam: hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể.
3. Tổn thương võng mạc ở người tiểu đường:
- Bình thường võng mạc được nuôi dưỡng chủ yếu bởi Động mạch
trung tâm võng mạc (ĐMTTVM). Sự nuôi dưỡng này được thực hiện như sau: ĐMTTVM
phân chia thành những động mạch nhỏ, những động mạch nhỏ này lại phân chia
thành những động mạch nhỏ hơn nữa, cuối cùng phân chia thành những mao mạch. Tại
mao mạch các chất dinh dưỡng và oxy được thấm qua thành mao mạch một cách chọn
lọc để nuôi dưỡng võng mạc. Sau đó các chất cặn bã được đưa vào hệ thống tĩnh mạch
nhỏ rồi đến tĩnh mạch trung tâm võng mạc và dẫn lưu theo hệ tĩnh mạch của cơ thể.
Trong bệnh Võng mạc tiểu đường, các mao mạch này dãn ra để cho máu, các chất dịch,
mỡ… thấm qua thành mao mạch và làm cho võng mạc bị phù. Nếu vùng phù này ở
hoàng điểm sẽ làm cho mắt nhìn mờ. Ngoài ra bệnh Võng mạc tiểu đường cũng làm
giảm tốc độ hồng cầu, tăng khả năng kết tụ của tiểu cầu, tăng độ quánh của máu…
do đó làm cho các mao mạch bị tắc, gây ra thiếu máu võng mạc; võng mạc không được
nuôi dưỡng đầy đủ sẽ sinh ra những mạch máu mới, bất thường còn gọi là tân mạch,
có thể vỡ và gây chảy máu trong mắt.
4. Bệnh có biểu hiện và diễn biến như thế nào?
a. Giai đoạn sớm
Tùy theo số lượng nhiều hay ít các mạch máu bị dãn ra mà chất
dịch, máu, mỡ thoát ra khỏi mạch máu gây phù võng mạc nặng hay nhẹ và tùy theo
có phù ở vùng hoàng điểm hay không mà mắt có biểu hiện bị mờ hay chưa bị mờ.
Như vậy cần lưu ý là trong giai đoạn này, bệnh đã có tổn thương ở võng mạc dù
cho mắt có biểu hiện mờ hay không.
b. Giai đoạn muộn
Có những mạch máu mới, bất thường, mọc ra trên bề mặt võng mạc
(gọi là tân mạch). Chúng rất dễ bị vỡ và có thể gây chảy máu trong mắt và làm
cho bệnh nhân bị mờ mắt đột ngột. Điều này nói lên tầm quan trọng của việc đi
khám mắt đều đặn của người bệnh tiểu đường.
Tóm lại biểu hiện và tiến triển của bệnh sẽ dẫn đến mờ mắt
và cuối cùng là mù lòa. Cần lưu ý là đôi khi mắt chưa mờ nhưng đã có tổn thương
ở võng mạc, do đó người bệnh đừng chờ đợi mắt mờ mới đi khám mắt mà nên đi khám
định kỳ.
5. Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh?
Trong giai đoạn sớm của bệnh có khi bệnh nhân chưa nhìn mờ
hoặc nhìn mờ ít nhưng đã có những tổn thương ở võng mạc. Do đó khi bị tiểu đường
người bệnh nên đi khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Đáy mắt.
Thầy thuốc sẽ soi đáy mắt, chụp hình màu võng mạc, chụp hình võng mạc có chích
thuốc cản quang nhằm phát hiện sớm các tổn thương trên võng mạc và sẽ quyết định
có điều trị bằng tia laser hay không.
6. Bệnh có khả năng điều trị được hay không? Điều trị như thế
nào?
Bệnh Võng mạc tiểu đường có khả năng điều trị được bằng những
cách sau:
a. Điều trị bằng tia laser
Mục đích là làm chậm lại sự tiến triển nặng hơn của bệnh, do
đó giúp cho bệnh nhân giữ được thị lực còn lại lâu hơn.
- Khi hoàng điểm bị phù, laser được dùng để bịt kín những mạch
máu bị dãn ra.
- Khi có những vùng võng mạc bị thiếu nuôi dưỡng do bị tắt mạch
máu, laser được dùng để ngăn ngừa sự mọc ra của những mạch máu bất thường.
b. Điều trị bằng thuốc
Nhằm tăng cường oxy đến nuôi dưỡng võng mạc và tạo thuận
lợi cho sự tan máu ở võng mạc như: Tanakan, Duxil…
c. Điều trị bằng phẫu thuật
Những mạch máu bất thường ở võng mạc có thể bị vỡ ra
gây chảy máu trong mắt hoặc có biến chứng bong võng mạc cần phải can thiệp bằng
phẫu thuật.
7. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?
- Người bệnh cần phải tuân thủ chế độ điều trị và tái khám để
ổn định lượng đường trong máu ở mức độ cho phép và ổn định huyết áp nếu có cao
huyết áp.
- Khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.