Mùa mưa là thời điểm muỗi vằn dễ dàng sinh sôi
và truyền bệnh. Từ đầu tháng 6/2024, mưa nhiều hơn, tạo thuận lợi cho bệnh sốt
xuất huyết (SXH) bùng phát. Để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế TP Cần Thơ kêu gọi
người dân thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.
Từ đầu năm đến ngày 30/6/2024, toàn TP Cần Thơ
ghi nhận 307 ca mắc SXH, giảm 71,9% so với cùng kỳ năm 2023 (1.095 ca), 93 ổ dịch
SXH, giảm 185 ổ dịch so với cùng kỳ (287 ổ dịch). Không ghi nhận ca tử vong.

Cơ quan đơn vị
chức năng triển khai lực lượng phun thuốc phòng dịch bệnh.
Theo BS.CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng khoa Phòng chống
bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ: Hiện bắt đầu bước vào
mùa mưa, diễn biến thời tiết xuất hiện những cơn mưa bất thường, nên cần chú ý
công tác tăng cường tuyên truyền phòng bệnh cho người dân thực hiện loại bỏ
lăng quăng, diệt muỗi tại hộ gia đình. Thời gian qua, khi đi kiểm tra thực tế một
số quận/huyện vẫn còn thấy vật phế thải xung quanh nhà của hộ dân còn nhiều, ứ
đọng nước mưa, đồ đạc chưa gọn gàng ngăn nắp, trong nhà không thông thoáng; những
nền nhà, khu đất trống để hoang, nước đọng, cỏ dại mọc nhiều là những yếu tố
thuận lợi tạo điều kiện cho côn trùng trú ẩn và phát triển.

Người dân vệ
sinh súc rửa dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng.
Ngay từ đầu năm, CDC Cần Thơ đã tham mưu cho Sở
Y tế ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch SXH;
chú trọng công tác điều tra, giám sát lăng quăng; giám sát ổ dịch nhỏ những nơi
có nguy cơ sẽ chủ động phun hoá chất và dập dịch ngay, không để bùng phát dịch
ra cộng đồng.
Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật (CDC) Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để hạn chế số ca mắc SXH:
phối hợp với các địa phương tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống
SXH tại các xã, phường, thị trấn trong địa bàn thành phố. Tổ chức chủ động phun
hóa chất tại các xã, phường có nguy cơ; tăng cường xử lý các ổ dịch; đẩy mạnh
truyền thông dưới nhiều hình thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách
phòng chống bệnh SXH đến người dân; vận động người dân thực hiện dọn dẹp vệ
sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường xung quanh, diệt lăng quăng, diệt muỗi để
phòng bệnh; thường xuyên súc rửa dụng cụ chứa nước sử dụng, thay nước trong các
bình bông và loại bỏ nước đọng trong các vật chứa không cần thiết.

Đoàn thanh niên
phối hợp với địa phương tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết tại nhà dân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cũng
chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận/huyện đẩy mạnh truyền thông phòng, chống
dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên loa phát thanh nội
viện; loa phát thanh xã, phường; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt hè
và vãng gia.
Để chủ động phòng chống bệnh SXH, đặc biệt
ngăn chặn nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần
Thơ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền
hình thành phố, Báo Cần Thơ và các ban ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường
tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh để người dân tự giác thực hiện
nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và
chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt
muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản
thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện
các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi
không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng
quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào lu, bể nước; thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa
nước, thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào chén nước
kê chân chạn; lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật phế thải như:
chai, lọ, vỏ dừa, vỏ xe cũ, các hốc chứa nước…
3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt
ngay cả ban ngày.
4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các
chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
5. Khi bị sốt cần đến cơ sở y tế để được khám
và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.