Thứ Ba, ngày 01-07-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Y học dự phòng
Tìm hiểu về bệnh đục thủy tinh thể
[ Cập nhật vào ngày (29/10/2012) ] - [ Số lần xem: 2056 ]

__c th_y tinh th_ (_nh PVC ngu_n Iternet).jpg

·    Vì sao bị bệnh đục thủy tinh thể?

Do quá trình lão hoá hay vì bất kỳ một nguyên nhân gì khác gây mờ đục một trong các thành phần của thể thuỷ tinh sẽ gây giảm hoặc mất khả năng nhìn gọi là bệnh đục thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù loà.

Có nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh thể. Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp nhất là do nguyên nhân lão hóa (nguyên nhân phổ biến nhất, rất hay gặp ở lứa tuổi trên 65 với tỷ lệ là 70%.) , do bệnh lý về mắt (cận thị nặng, viêm nhiễm, chấn thương, thoái hóa…) ,bệnh toàn thân ảnh hưởng lên mắt (tiểu đường, cao huyết áp…), hoặc bẩm sinh.

__c th_y tinh th_ (_nh PVC ngu_n Iternet) (2).jpg

·    Cách phòng ngừa bệnh này như thế nào ?

Không có cách phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể một cách hiệu quả. Điều quan trọng là phải đi kiểm tra mắt thường xuyên để phân biệt với những bệnh mù do nguyên nhân khác. Nếu phát hiện sớm có thể phục hồi tốt thị lực sau mổ.

·    Tại sao nói đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam ?
Tỉ lệ mù lòa trong cộng đồng ở Việt Nam là 0.59%. Một khảo sát gần đây tại Bệnh viện Mắt TW cho thấy rằng, 70% số người mù tại Việt Nam là do mắc bệnh đục tinh thể. Đục thủy tinh thể là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới mù lòa mà người ta có thể chữa được chỉ bằng phẫu thuật

·    Trong thực tế điều trị tại cộng đồng và tại bệnh viện, bệnh nhân hiện nay đến khám sớm hay muộn? Nếu muộn, việc điều trị ảnh hưởng như thế nào? Nhiều bệnh nhân cho rằng phát hiện sớm, chỉ cần điều trị thuốc là hết, không cần phải phẫu thuật có đúng không ?
-    Trong thực tế bệnh nhân thường đến bệnh viện trong giai đoạn cần phải phẫu thuật hoặc đến muộn do bệnh nhân chủ quan nghĩ mờ mắt do lớn tuổi, hoặc nghĩ mắt đã mù thì không thể chữa khỏi, hoặc chần chừ đi khám do sợ mổ …Trong cộng đồng thì tỉ lệ phát hiện cườm giai đoạn muộn thường rất cao do điều kiện kinh tế, dân trí… làm hạn chế cơ may bệnh nhân đến bệnh viện điều trị sớm. Mặc dù ngành y tế và các tổ chức xã hội đã tổ chức nhiều đoàn khám sàng lọc bệnh và phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nhưng tỷ lệ cườm, nhất là cườm già tồn đọng và phát sinh mới hằng năm còn rất nhiều trong cộng đồng.

-    Nếu đến muộn, đục thủy tinh thể có thể quá cứng, khó thao tác cho việc mổ phaco lấy nhân; hoặc thủy tinh thể “quá chín” , gây biến chứng cườm nước hoặc viêm màng bồ đào. Lúc này khả năng phục hồi thị lực kém sau mổ.

-    Nếu phát hiện sớm, rất thuận lợi cho việc theo dõi và điều trị. Sử dụng phương pháp mổ phaco sẽ thuận lợi và cho kết quả tốt.

-    Không có cách điều trị hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể một cách có hiệu quả. Dùng thuốc chỉ có tác dụng tạm thời trong thời gian đầu. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất có hiệu quả trong việc chữa đục thủy tinh thể.

·    Hiện nay có những phương pháp điều trị nào? Ưu điểm của từng loại?
Có 2 phương pháp chính :
- Dùng thuốc nhỏ mắt: chỉ tạm thời trong thời gian đầu

-  Phẩu thuật: Nhân mắt bị đục được lấy ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.
Phương pháp hiện đại và phổ biến nhất hiện nay là mổ phaco mà người dân hay gọi là “hút cườm” hay “mổ máy”. Nhờ có thiết bị Phaco có sử dụng thiết bị cung cấp năng lượng siêu âm hỗ trợ mà phẫu thuật nhanh và vết mổ rất ngắn, chỉ dưới 3mm. Nhờ thế, mắt mau lành và nhanh chóng phục hồi thị lực hơn. Nếu bệnh nhân đến muộn, không mổ được bằng phaco thì phải chuyển qua “mổ ngoài bao” mà người dân hiện nay quen gọi là “mổ tay”,   vết mổ sẽ lớn hơn và thời gian phục hồi thị lực dài hơn.

·    Tại sao có bệnh nhân sau mỗ đục thủy tinh mà mắt không sáng lại hoặc thị lực chỉ phục hồi được một phần ?
- Khả năng phục hồi tốt thị lực sau mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: có kèm theo các bệnh lý gì khác tại mắt trước mổ hay không (đục thủy tinh thể kèm theo bệnh tiểu đường, cườm nước, teo dây thần kinh mắt …), tình trạng viêm sau mổ, các biến chứng trong quá trình mổ …

- Tuy nhiên, với khả năng thăm khám, siêu âm mắt … trước mổ để dự báo mức độ phục hồi thị lực, tính an toàn cao của phẫu thuật phaco và điều kiện chăm sóc tốt sau mổ thì khả năng phục hồi tốt thị lực rất cao.

·    Nếu phẫu thuật, bao lâu bệnh đục thủy tinh thế tái phát ?
- Chính xác là không có tái phát đục thủy tinh thể sau mổ. Tuy nhiên có tình trạng đục  bao sau thủy tinh thể gây mờ dần dần. Lúc này có thể điều trị bằng cách dùng Laser để phá bao sau.Tỷ lệ đục bao sau cần can thiệp lại bằng laser là khoảng  20 % sau khi mổ đục thủy tinh thể được 2 năm

·    Trẻ mới sinh hoặc còn nhỏ có thể bị đục thủy tinh thế không? Gia đình có thể phát hiện bằng cách nào ?
-    Có thể có tình trạng đục thủy tinh thể ở trẻ mới sinh (còn gọi là đục thủy tinh thể bẩm sinh) hoặc còn nhỏ.

-    Gia đình có thể phát hiện bằng cách quan sát kỹ để kịp thời phát hiện bất thường về thị lực: trẻ nhìn kém hoặc nheo mắt khi nhìn lên bảng, làm kính cũng không cải thiện. Có thể kiểm tra mắt cho trẻ bằng cách chiếu đèn, quan sát đồng tử. Nếu thấy trong đồng tử có ánh trắng thì bắt buộc phải đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Cũng nên theo dõi phản xạ nhìn của bé, nếu đến 2-3 tháng tuổi mà bé vẫn chưa biết nhìn theo tay mẹ khi di chuyển đồ vật cũng là dấu hiệu của bất thường.

·    Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, bệnh nhân cần sinh hoạt, ăn uống, giữ gìn mắt như thế nào?
- Bệnh nhân cần che mắt bảo vệ (băng che mắt, kính mát.. ) để tránh gió bụi, hạn chế tiếp xúc với máy tính, đọc báo, xem tivi… trong vòng 1 tuần, và phải giữ cho mắt luôn sạch sẽ, rửa tay trước khi chạm vào mắt và sử dụng thuốc theo quy định . Rửa mi mắt bằng gạc để lấy đi chất dịch bám vào mắt. Bệnh nhân tuyệt đối không dụi tay lên mắt, nháy mắt mạnh nhằm tránh xảy ra đè áp mạnh gây chấn thương mắt.

-  Bệnh nhân ăn thức ăn dễ tiêu, tránh táo bón, tránh dùng các chất chất kích thích  
 
-  Bệnh nhân nên tái khám đúng theo lịch hẹn, thường là sau 1 tuần và 1 tháng sau khi phẫu thuật.

-  Khi có các dấu hiệu như giảm thị lực, đau kéo dài mặc dù đã dùng thuốc giảm đau; đỏ mắt tăng; chớp sáng hoặc nhiều đốm đen trước mắt; buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều… thì nên tái khám sớm.

- Thông thường, mắt hồi phục thị lực tối đa trong vòng 8 tuần. Không nên đi bơi, tắm biển, chơi những môn thể thao mạnh trong vòng 3 tháng.      
Bác sĩ Hoàng Quang Bình - Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập