Từ tháng 3/2019, được sự hỗ trợ của dự án “Ánh sáng cho trẻ
em và người lớn tuổi khu vực ĐBSCL”, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ triển
khai điều trị võng mạc trẻ sinh non (tên tiếng Anh viết tắt là ROP). Đây là BV
đầu tiên và duy nhất ở khu vực ĐBSCL có điều trị bệnh lý này.
Nguy cơ mắc bệnh ROP ở trẻ sinh non, nhẹ cân
Năm 2010 đến nay, BVNĐ TP Cần Thơ đã triển khai tầm soát bệnh
lý ROP. Trung bình, mỗi năm có khoảng 350 - 400 bé sinh non đến khám tầm soát
ROP ở BV. Trong đó, bệnh nhi ở TP Cần Thơ chiếm khoảng 50%. Riêng 5 tháng đầu
năm 2019, BV khám tầm soát cho khoảng 200 bé. Trong đó, trẻ mắc ROP có chỉ định
điều trị là 7 bé, 4 bé phải chuyển BV Nhi đồng 1 TP HCM do 3 tháng đầu năm,
BVNĐ TP Cần Thơ chưa đủ trang thiết bị để triển khai điều trị. Từ tháng 3/2019,
BVNĐ TP Cần Thơ đã điều trị được cho 3 bé bằng phương pháp laser quang đông
vùng võng mạc vô mạch.

Bác sĩ Khoa Mắt - Răng hàm mặt - Tai
mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám tầm soát bệnh ROP cho trẻ.
Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL chỉ có BVNĐ TP Cần Thơ có tầm soát
và điều trị ROP. Trong khi đó, trẻ sinh non có nguy cơ bị ROP rất cao. Trẻ sinh
dưới 34 tuần, tỷ lệ mắc ROP khoảng 22,1% (nghiên cứu tại TP Cần Thơ năm 2018).
Theo tài liệu của BV Nhi đồng 1, trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1.000 - 1.251 gram
có 47% mắc ROP; trẻ có cân nặng lúc sinh 750 gram - 900 gram, tỷ lệ ROP là 78%;
trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 750 gram có đến 90% mắc ROP. Trong các trẻ mắc bệnh
ROP có đến 90% bệnh tự thoái triển, chỉ 10% cần điều trị.
Bác sĩ Võ Thị Thùy Linh, Trưởng khoa Mắt - Tai mũi họng -
Răng hàm mặt, BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết: Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn
tuổi khu vực ĐBSCL” đã hỗ trợ cho BV trang thiết bị, đào tạo nhân lực để triển
khai điều trị ROP. BV đã cử 1 bác sĩ chuyên khoa mắt đào tạo về tầm soát, điều
trị ROP tại BVNĐ 1. Sau khi có đầy đủ trang thiết bị cũng như nhân lực, BVNĐ TP
Cần Thơ tiến hành điều trị ROP, 2 ca đầu, có sự hỗ trợ, giám sát của BV Nhi đồng
1. Ca thứ 3, BVNĐ TP Cần Thơ độc lập thực hiện. Cả 3 ca điều trị đều thành
công. Sau phẫu thuật laser, trẻ tiếp tục được tái khám và theo dõi trong vòng 1
năm. Sắp tới, BVNĐ TP Cần Thơ triển khai điều trị ROP cho những trẻ có chỉ định
tiêm nội nhãn.
Với phương pháp laser quang đông điều trị ROP, bác sĩ bắn
tia vào vùng võng mạc vô mạch của trẻ. Tùy theo bệnh lý, thời gian phẫu thuật
có thể lâu hay nhanh, trung bình khoảng 1 giờ/ca (trẻ được gây tê tại chỗ, có
bác sĩ gây mê theo dõi). Với trẻ sinh non, đang thở máy, đặt nội khí quản, các
bác sĩ vẫn tiến hành laser. Bác sĩ Võ Thị Thùy Linh cho biết: “Nếu trẻ có chỉ định
điều trị thì trong vòng 48 - 72 giờ, phải điều trị cho cháu, nếu để muộn bệnh sẽ
chuyển sang giai đoạn nặng hơn, việc điều trị sau đó rất khó khăn, trẻ có thể bị
bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Trẻ điều trị sớm khi có chỉ định, tỷ lệ thành
công rất cao. Tuy nhiên, trẻ suy hô hấp, tình trạng sức khỏe không ổn thì không
thể tiến hành điều trị”.
Tuân thủ lịch tái khám
Theo các bác sĩ, đến BV có những cháu bé 9 - 10 tuổi mắt bị
mù lòa, phần lớn các cháu có tiền sử sinh non, nhẹ cân và không được tầm soát
ROP. Gần đây, khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tiếp nhận hai bé sinh đôi
được gia đình đưa đến khám vì nghẹt mũi. Bác sĩ đọc sổ khám bệnh, phát hiện hai
bé sinh ở TP Hồ Chí Minh đã khám tầm soát ROP, bác sĩ ở BV TP HCM có hẹn tái
khám nhưng gia đình đưa hai bé về tỉnh Trà Vinh và không đi tái khám. Vì vậy,
khi đến BVNĐ TP Cần Thơ, bác sĩ Võ Thị Thùy Linh trực tiếp khám cho hai bé đã
phát hiện cả hai bé, một mắt đã mù hẳn, 1 mắt còn lại bị ROP nặng. BV đã làm thủ
tục chuyển hai bé lên BV Nhi đồng 1, sau đó, hai bé được chuyển sang BV Việt
Pháp điều trị.

Điều trị ROP cho trẻ tại BVNĐ TP Cần
Thơ
Trong thực tế điều trị, các bác sĩ cho biết có trường hợp chỉ
vì không tuân thủ tái khám, làm mất cơ hội điều trị của trẻ. Ở giai đoạn đầu, bệnh
ROP không thể phát hiện được bằng mắt thường (nhìn bên ngoài mắt vẫn thấy bình
thường) mà phải dùng các loại máy chuyên biệt do bác sĩ chuyên khoa về mắt khám
mới phát hiện được bệnh. Khi bệnh này đã biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn
muộn (bong võng mạc), trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn. Vì thế, trẻ cần được khám, tầm
soát ROP sau khi sinh khoảng 4 tuần hoặc sớm hơn.
Trong quá trình khám, nếu phát hiện trẻ bị ROP, bác sĩ sẽ mời
người thân bệnh nhi đến tư vấn về bệnh, lịch tái khám. Định kỳ 2 tuần, tổ chức
họp nhóm người thân có bệnh nhi bị bệnh lý ROP để tư vấn về bệnh nhưng vẫn còn
tình trạng người nhà không hiểu, phản ứng khi bác sĩ đến khám cho trẻ. Bác sĩ
Võ Thị Thùy Linh giải thích: “Mỗi lần khám, bác sĩ phải nhỏ thuốc, dùng dụng cụ
khám mắt nên các cháu hay quấy khóc. Sau khi khám, mí mắt trẻ sưng nề nên người
thân xót cháu, dễ phản ứng nhưng mắt của trẻ chỉ sưng khoảng 30 - 60 phút là hết.
Bác sĩ phải hẹn tái khám nhiều lần, có khi tái khám sau 3 ngày, có khi 1 - 2 tuần/lần
để xem bệnh ROP tiến triển thế nào nhằm kịp thời điều trị ngay, nếu không trẻ sẽ
bị bong võng mạc, dẫn đến mù lòa, rất khổ cho các cháu và gia đình. Khi có chỉ
định điều trị, chúng tôi phải hội chẩn, khám rất cẩn thận, mới quyết định điều
trị vì laser cũng ảnh hưởng đến võng mạc nên thầy thuốc rất cân nhắc”.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ sinh dưới 33 tuần hoặc cân nặng dưới
1.800 gram, hoặc tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần (7,5 tháng); trẻ cân nặng lúc
sinh từ 2kg trở lên nhưng bị ngạt khi sinh, nằm lồng ấp, thở oxy kéo dài, có những
bệnh lý khác kèm theo, hoặc đa thai (sinh đôi, sinh ba…) cần tầm soát ROP. Gia
đình cần tuân thủ tuyệt đối lịch tái khám, việc tầm soát và điều trị ROP được BHYT
chi trả.
Hiện nay, ở TP Cần Thơ, các BV khi có trẻ sinh non, đều chuyển
hoặc tư vấn gia đình đưa trẻ đi khám ROP tại BVNĐ TP Cần Thơ. Ngoài ra, 1 tuần/lần,
Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, BV Nhi đồng cũng sắp xếp cử bác sĩ chuyên
khoa mắt sang BV Phụ sản TP Cần Thơ để hỗ trợ khám tầm soát ROP cho trẻ sinh
non.