Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa điều trị
thành công trường hợp bệnh nhân mắc Hội chứng Guillain Barré nặng.
Đó là bệnh nhân Phan Thị Kim Tr. (quê ở huyện Cờ Đỏ), 56 tuổi,
nhập viện vào ngày 21/9/2019 trong tình trạng yếu liệt tứ chi, yếu cơ hô hấp. Chồng
bệnh nhân Tr – anh Trần Trọng Ng. cho biết: Sau đợt tiêu chảy liên tục 4-5 ngày,
cách đây 2 tuần, vợ ông bắt đầu có biểu hiện tê bì chân tay, yếu 2 chân sau đó
lan lên tay, rất nhanh sau đó không thể vận động hay đi lại được, khó thở.
Đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, bệnh nhân được điều
trị tại khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp. Kết quả thăm khám và hội chẩn liên
khoa cho thấy bệnh nhân phình bụng kém, gập cổ kém, sức cơ tứ chi ở mức 1/5. Bệnh
nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng Guillain Barré.
Guillain Barré là một rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn
dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh (tỷ lệ 1/100.000 người). Ở Việt Nam,
những năm gần đây bệnh xuất hiện với tần suất cao hơn. Bệnh khởi phát sau khi bệnh
nhân trải qua một đợt nhiễm trùng như: viêm hô hấp hoặc nhiễm trùng tiêu hóa. Triệu
chứng đầu tiên thường là yếu và tê ở tứ chi. Những cảm giác này có thể nhanh
chóng lây lan, cuối cùng làm tê liệt toàn bộ cơ thể và đặc biệt là cơ hô hấp
khiến bệnh nhân suy hô hấp nhanh chóng nếu không được điều trị, hỗ trợ kịp thời.
Bệnh này thường xảy ra vào thời điểm cuối năm (từ tháng 10 đến tháng 12). Đây
cũng là ca đầu tiên Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tiếp nhận từ đầu năm đến
nay.
Cùng với sự phát triển về trình độ chuyên môn và các trang
thiết bị chẩn đoán được đầu tư hiện đại, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã
phát hiện và điều trị thành công nhiều trường hợp Guillain Barré nặng góp phần
cứu sống bệnh nhân và giảm tối đa các di chứng do bệnh để lại. ThS.BS. Nguyễn
Văn Phong, Phó trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp cho biết: Phương pháp
điều trị đối với Guillain Barré là thay huyết tương và truyền tĩnh mạch Immuno
Globulin liều cao. Riêng trường hợp của bệnh nhân Tr, bác sĩ chỉ định thay huyết
tương. Bác sĩ sẽ chỉ định thay 4-5 lần trong 1 đợt điều trị, mỗi lần cách nhau
2-3 ngày, một lần thay 40-50ml/kg, đối với bệnh nhân có tình trạng bệnh nhẹ hơn
có thể thay 2 lần.
Hiện bệnh nhân đã có thể tự phình bụng thở được và xoay nhẹ
chân tay. Tuy nhiên, tối thiểu bệnh nhân cần thay huyết tương 1-2 lần nữa (tùy
thuộc vào khả năng đáp ứng) để loại bỏ kháng thể trong máu gây tổn hại dây, rễ
thần kinh.