Thứ Bảy, ngày 10-05-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Dược
Phòng Bệnh Viêm Gan A
[ Cập nhật vào ngày (29/07/2013) ] - [ Số lần xem: 996 ]

Thời gian gần đây, tại tỉnh Kon Tum  có một vấn đề sức khỏe đang được cộng đồng quan tâm, đó là một số người dân có dấu hiệu sốt, mệt mỏi kèm vàng da, men gan tăng và có kết quả dương tính với HAV, được ngành Y tế cảnh báo dịch viêm gan A đã bùng phát. Tổng số người mắc là 45 người, đa số ở độ tuổi thanh thiếu niên. Qua điều tra dịch tể tại nơi xảy ra dịch cho thấy vệ sinh môi trường không đảm bảo. Người dân còn sử dụng nước giếng đào, hố xí đào và còn tập quán uống nước lã từ giếng đào, ăn uống chưa hợp vệ sinh.

Hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 1,4 triệu người  nhiễm viêm gan siêu vi A, triệu chứng lâm sàng nguy hiểm gia tăng theo tuổi, tỉ lệ tử vong ở người lên đến 2,1%, nguy cơ lây nhiễm cao gấp 100 lần so với vi khuẩn tả hoặc thương hàn.

Một nghiên cứu khoa học tại huyện Tân Châu (An Giang) ghi nhận tỷ lệ nhiễm HAV ở trẻ em là 97%. Tại các bệnh viện, HAV là nguyên nhân của khoảng 30-50% số trường hợp viêm gan cấp. Ngược lại, tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... nhờ điều kiện sống đầy đủ và vệ sinh cộng với chương trình tiêm chủng vắc xin viêm gan A sớm được triển khai nên tỷ lệ nhiễm HAV liên tục giảm.

Bệnh viêm gan A là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virut viêm gan A hay HAV gây ra. Bệnh lây qua đường phân miệng như ăn chung đồ ăn, dùng chung quần áo, tiếp xúc với người mắc bệnh viêm gan như bắt tay tiếp xúc đồ dùng có mầm bệnh. Quan hệ tình dục bằng đường miệng. Hiếm gặp lây qua đường máu, khả năng lây theo phương thức này là rất hy hữu.

Bệnh viêm gan A lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua thức ăn và nước uống bị nhiễm virut viêm gan A (HAV). HAV đào thải qua phân ở cuối thời kỳ ủ bệnh kéo dài hàng tuần (cho tới khi lui bệnh). Bởi vậy, ăn uống mất vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho mắc bệnh. Nhân viên y tế, khách du lịch, cô bảo mẫu... là những đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc phải căn bệnh này. Nhiễm khuẩn thức ăn, nguồn nước là nguy cơ gây ra những vụ dịch lớn nhỏ hiện nay…

Bệnh viêm gan do virut A triệu chứng lâm sàng cũng giống như bệnh nhiễm trùng cấp do các loại virut viêm gan khác. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 6 tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây

 Bệnh có thể chia ra làm nhiều thời kỳ:

Thời kỳ tiền hoàng đản (trước vàng da): Thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày với các triệu chứng giả cúm như sốt, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp trên. Các triệu chứng tiêu hoá như chán ăn, buồn nôn, nôn, đi phân lỏng, đầy bụng, đau bụng.

Thời kỳ hoàng đản (vàng da): Hội chứng vàng da, vàng niêm mạc, nước tiểu sẫm màu, phân vàng. Gan có to ấn đau, có thể gặp lách to. Thường kéo dài 3 đến 4 tuần lễ sau đó triệu chứng này thường giảm dần. Xét nghiệm men gan thường tăng cao trong máu hơn bình thường hàng chục lần, lượng Bilirubin trong máu tăng, nước tiểu có muối mật và sắc tố mật. Xét nghiệm tìm dấu hiệu của virut viêm gan A như Anti HAV – IgM.

Thời kỳ hồi phục: Hết vàng da, triệu chứng giảm nhiều.Tiểu nhiều.

Tuy nhiên đây là một loại viêm gan lành tính, thường tự khỏi và không có biến chứng, trẻ em thường mắc hơn người lớn, tuổi càng cao thì mắc bệnh càng nặng. Bệnh không có biến chứng. Nhưng có khoảng 2% số trường hợp diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy gan, hôn mê gan, làm cho người bệnh tử vong.

Viêm gan tối cấp: Bệnh diễn biến nhanh chóng trong một tuần với sốt cao, vàng mắt, mệt lả, gan teo nhỏ và hôn mê gan thường là biểu hiện cuối cùng trước khi tử vong.

Viêm gan kéo dài: Hiện tượng này rất ít gặp nhưng hiện tượng ứ mật kéo dài, đôi khi xảy ra có thể là từ 2-3 tháng, nhưng ít khi để lại hậu quả nặng nề. Không ghi nhận thể viêm gan mạn tính hoặc tình trạng mang HAV suốt đời.

Trước tình hình bệnh viêm gan A hiện nay, Bộ Y tế đã  khuyến cáo người dân cần thực hiện  các nguyên tắc  phòng bệnh như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, thực hiện ăn chín uống chín. Trong thời điểm hiện nay khuyến cáo không tập trung ăn uống đông người ở vùng có nguy cơ xảy ra dịch.
2. Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành: vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, phân, chất nôn của người bệnh theo quy định.
3. Tăng cường tuyên truyền cho người xung quanh về các biện pháp phòng bệnh.
4. Khuyến khích người dân phòng bệnh viêm gan vi rút A bằng tiêm phòng vắc xin.
5. Đối với người có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cùng với việc rửa tay với xà phòng và nước sạch, vệ sinh thực phẩm, tiêm ngừa là một biện pháp hữu hiệu trong phòng bệnh viêm gan A nhằm tạo miển dịch cộng đồng đảm bảo có một môi trường sức khỏe an toàn.
Bs .Trần Trường Chinh - TTYTDP QUẬN NINH KIỀU


Các ý kiến của bạn đọc





Đường dây nóng


Số lượng truy cập