Hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”
Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay mang chủ đề:
“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi” nhằm nhấn mạnh
vai trò và quyền lợi của mỗi cá nhân trong việc được quyền quyết định
việc sinh con, khoảng cách sinh và cách nuôi dạy con cái theo mong muốn, điều
kiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm
2024, do Tổng cục Thống kê thực hiện, cho thấy, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam
là 1,91 con/phụ nữ, đây là mức sinh thấp nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị
là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Tổng số
có 32 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ).
Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39
con/phụ nữ), Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ).

Cán bộ dân số tuyên truyền
chính sách dân số cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Mức sinh của TP Cần Thơ (cũ) còn thấp, năm
2023 là 1,44 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và năm 2024 là 1,45 con. Tỷ lệ
này rất thấp so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân dẫn
đến tâm lý ngại sinh, cả chủ quan và khách quan. Ngành chức năng đã báo động về
thực trạng này cùng những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai; đồng thời, kêu gọi
các cấp, các ngành chung tay thực hiện các giải pháp khuyến sinh trong cộng đồng.
Hiện nay vấn đề vận động các cặp vợ chồng sinh
thêm con hết sức khó khăn bởi nhiều lý do, trong đó có lý do là không đảm bảo
điều kiện kinh tế nuôi dạy con. Mặt khác, một số cặp vợ chồng có điều kiện, muốn
sinh thêm con thì vướng những quy định đối với, cán bộ, công chức, viên chức...
Còn một số lý do khiến mức sinh của thành phố
thấp do tình trạng hiếm muộn. Theo sổ quản lý cộng tác viên dân số 9 tháng đầu
năm 2024, có hơn 1.100 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 49 tuổi có chồng, chưa sinh
con do bệnh lý. Nhóm này cần được quan tâm, hỗ trợ cung cấp dịch vụ khám và điều
trị bệnh tại cơ sở y tế công lập chuyên khoa. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, cộng
tác viên dân số và cán bộ y tế cần tập trung tuyên truyền tư vấn phụ nữ trong độ
tuổi sinh sản phòng ngừa hiếm muộn.

Ngày Dân số Thế giới 11/7
năm nay mang chủ đề: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”
Từ khi ngành dân số thành phố chuyển trọng tâm
công tác từ dân số - KHHGÐ sang dân số và phát triển, ngành dân số địa phương đối
mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giai đoạn trước, cán bộ, cộng tác viên dân
số chủ yếu tuyên truyền các cặp vợ chồng thực hiện KHHGÐ, mỗi cặp vợ chồng nên
dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt. Khi đó, nguồn kinh phí cấp cho công tác dân số
cũng dồi dào, từ trung ương đến địa phương. Nhưng hiện nay, kinh phí liên tục cắt
giảm và chậm cấp, ngành dân số địa phương lại đảm đương rất nhiều nhiệm vụ quan
trọng, từ vận động nâng mức sinh đến tầm soát trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức
khỏe người cao tuổi,… Với mục tiêu nâng mức sinh, cần phải có chiến lược lâu
dài, trong đó ngành dân số thay đổi giải pháp tuyên truyền, tăng cường sự phối
hợp của cả hệ thống chính trị và cần có nguồn kinh phí thỏa đáng cho chiến lược
tăng mức sinh.
Trong giai đoạn mới sáp nhập, thực hiện chính
quyền 2 cấp như hiện nay, công tác Dân số cần được triển khai thống nhất trên địa
bàn theo đúng định hướng chung của cả nước: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu
của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chính vì vậy, đầu tháng 6/2025, Theo Pháp lệnh
Dân số mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân
được quyết định về thời gian sinh con, số con. Cụ thể, mỗi cặp vợ chồng được
quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp
với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu
nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng.
Việc sửa đổi này nhằm khắc phục tình trạng
chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tránh để mức sinh giảm quá thấp,
không đạt mức sinh thay thế - điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát
triển bền vững về kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng trong tương lai. Việc
sửa đổi văn bản pháp luật quy định về số con là một trong những nội dung nhằm
duy trì mức sinh thay thế, tránh mức sinh tiếp tục giảm thấp trong thời gian tới.
Do đó, ngày Dân số Thế giới 11/7 hàng năm là dịp
để mỗi quốc gia nhìn lại những nỗ lực trong lĩnh vực dân số, từ đó thúc đẩy những
hành động cụ thể, bền vững vì chất lượng cuộc sống của người dân hôm nay và các
thế hệ mai sau. Đây là dịp để các quốc gia cùng đánh giá, thúc đẩy những chính
sách dân số hiệu quả, đảm bảo quyền sinh sản và chất lượng cuộc sống cho mọi
người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh, thiếu niên.
Khẩu hiệu truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số
Thế giới 11/7/2025:
1. Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng,
toàn dân.
3. Dân số khỏe - Gia đình hạnh phúc - Đất nước
phồn vinh.
4. Sinh con là quyền - Nuôi dạy con tốt là
trách nhiệm.
5. Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy
luật tự nhiên.
6. Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức
khỏe, tương lai và hạnh phúc của chính bạn.
7. Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo
vệ giống nòi.
8. Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất
nước nhanh và bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đưa đất nước
vào kỷ nguyên mới. Việc hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới không chỉ
là trách nhiệm của ngành Y tế, mà còn là sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi người
dân hãy là một tuyên truyền viên tích cực, cùng xây dựng một cộng đồng dân số
khỏe mạnh, bình đẳng và văn minh.
|