Một bé gái 8 tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu
Long điều trị thành công trong tình trạng viêm tụy cấp – một bệnh lý tiêu hóa
ít gặp nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời.
Bệnh nhi là bé gái S. T. C. A (8 tuổi, địa chỉ tại tỉnh An
Giang) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói nhiều lần sau ăn, nôn ra dịch
xanh, đau bụng toàn bộ, đặc biệt tập trung quanh rốn và vùng bụng dưới. Trên da
có các bóng nước rải rác dạng thủy đậu, không kèm sốt.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám,
chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả ghi nhận chỉ số men tụy
trong máu và nước tiểu tăng rất cao, dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý viêm tụy cấp.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (MSCT) ổ bụng cho thấy bé bị viêm tụy cấp có lượng
dịch nhỏ.
Đây là tình trạng viêm đột ngột tại tuyến tụy – cơ quan đóng
vai trò tiêu hóa thức ăn và điều hòa đường huyết. Nếu không được điều trị đúng
cách, viêm tụy cấp có thể dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng nặng hoặc hình thành
nang tụy nguy hiểm.
Ngay khi có chẩn đoán, bé được điều trị nội khoa tích cực:
ngưng ăn uống bằng đường miệng, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng truyền dịch, sử dụng
kháng sinh và các thuốc hỗ trợ tiêu hóa, theo dõi sát tình trạng đau bụng, nôn
ói, mức độ mất nước. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bé cải thiện rõ: ăn uống
tốt, không sốt, không còn đau bụng và được xuất viện trong trạng thái ổn định.
Theo BS.CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh
viện Hoàn Mỹ Cửu Long: “Viêm tụy cấp ở trẻ em là một trong những bệnh lý nguy
hiểm và thường không có triệu chứng rõ ràng. Nguyên nhân có thể do nhiễm siêu
vi, rối loạn miễn dịch, tổn thương tụy hoặc không rõ nguyên nhân. Nếu không được
chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng như nhiễm
trùng ổ bụng, hoại tử tụy, xuất huyết nội hoặc hình thành nang giả tụy lớn gây
chèn ép các cơ quan khác. Những biến chứng này có thể ảnh hưởng lâu dài đến chức
năng tiêu hóa của trẻ.”
Bác sĩ cũng lưu ý các dấu hiệu cảnh báo của bệnh mà phụ
huynh cần chú ý như trẻ nôn ói nhiều lần, nhất là sau khi ăn; đau bụng rõ, thường
vùng rốn hoặc vùng trên rốn; mệt mỏi, bỏ ăn, có thể kèm sốt hoặc nổi bóng nước
trên da; tình trạng kéo dài và không cải thiện khi chăm sóc tại nhà.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không
nên chủ quan khi trẻ có dấu hiệu đau bụng và nôn ói kéo dài. Việc đưa trẻ đến
cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị sớm là cách tốt nhất để
phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, giúp trẻ phục hồi nhanh và an toàn.