Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Kết quả từ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở TP. Cần Thơ
[ Cập nhật vào ngày (18/07/2017) ] - [ Số lần xem: 1728 ]
Đoàn Thầy thuốc tình nguyện Sở Y tế TP Cần Thơ đo huyết áp, khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Kim Nhiên
Đoàn Thầy thuốc tình nguyện Sở Y tế TP Cần Thơ đo huyết áp, khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Kim Nhiên

Chăm sóc sức khỏe được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, ngày 23/02/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 46-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 46-NQ/TW) “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Thành ủy Cần Thơ đã triển khai thực hiện qua việc ký ban hành Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 28/6/2005 “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan từ thành phố đến cơ sở phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai, quán triệt nghị quyết, kế hoạch cho cán bộ, công chức và nhân viên y tế tuyến cơ sở. Qua đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở thành phố Cần Thơ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

* Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực: Đó là quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng; đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở đảm bảo đạt theo bộ tiêu chí quốc gia quy định; đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn và tổ chức bộ máy y tế cơ sở. Bên cạnh đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được nâng lên,  tích cực vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, tự giác thực hiện các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh…

* Kết quả cụ thể như:

(1) Hoàn thiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm và từng bước được kiện toàn đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Việc đầu tư nguồn lực, trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tính đến cuối năm 2016, thành phố có 85/85 xã phường thị trấn có trạm y tế hoạt động; 100% trạm y tế đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 85/85 xã phường có trụ sở trạm; 39/85 trạm y tế có máy điện tim; 23/85 trạm có máy siêu âm; 100% trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ giường bệnh viện/vạn dân trên địa bàn năm 2005 là 17,01; đến năm 2016 là đạt 37,11 (Sở Y tế quản lý: 20,04)… Trong khi đó, năm 2005 chỉ có 37/67 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở (đạt tỷ lệ 55,2%); năm 2011 có 66/85 trạm y tế đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, đến năm 2016 đạt 85/85 trạm (100%), điều này đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở.

Có 85/85 trạm y tế có Bác sỹ (đạt 100% kế hoạch, trong đó có 14 trạm được tăng cường bác sỹ từ tuyến trên xuống), 100% trạm y tế có Nữ Hộ sinh trung học, 100% trạm y tế có Dược sỹ trung học, 85/85 (100%) trạm y tế có Bác sỹ đông y hoặc Y sỹ Y học cổ truyền; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân năm 2016 là 14,33 bác sỹ/vạn dân (Sở Y tế quản lý 8,52/vạn dân), (năm 2005 chỉ đạt 4,7 bác sỹ/vạn dân); tỷ lệ dược sĩ trên vạn dân là 2, 39 dược sĩ/vạn dân (Sở Y tế quản lý 1,57/vạn dân), và hiện có 35,90 cán bộ y tế/vạn dân.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành y tế luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, chuyên ngành ngày càng tăng về số lượng và chất lượng đáp ứng phần nào nguồn nhân lực của ngành y tế. Đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, làm chủ được chuyên môn. Đề án 1816 được duy trì, triển khai đề án “bệnh viện vệ tinh” tại Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Ung bướu.

(2) Thường xuyên thực hiện các chương trình, dự án y tế có hiệu quả; chủ động đề ra nhiều giải pháp phù hợp.

Các chương trình y tế triển khai tại cộng đồng đều đạt hiệu quả cao, các chỉ tiêu đều đạt và vượt; không có trẻ em mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm sau thấp hơn năm trước. 

Ngành Y tế đã chủ động trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS luôn được quan tâm: trong nhiều năm liền không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên quy mô lớn, tình hình HIV giảm rõ rệt, thành phố đang triển khai thực hiện Kế hoạch “thành phố 3 không”. Cần Thơ là một trong 10 tỉnh/thành phố có số nhiễm HIV mới phát hiện giảm so với cùng kỳ, hoàn thành xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020” của thành phố.

Đối với hệ điều trị, ngành Y tế đã duy trì tốt hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản: thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như: luân chuyển bác sĩ về tuyến cơ sở, tiếp nhận kỹ thuật mới từ tuyến Trung ương, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới, tăng cường điều trị ngọai trú, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị, đầu tư mua sắm trang thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao. Công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh ngày càng được các bệnh viện quan tâm. Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có nhiều tiến bộ.

Ngành Y tế thực hiện tốt công tác xã hội hóa y tế, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể trong công tác xã hội hóa y tế, 100% đơn vị trong Ngành thực hiện tốt Nghị định 43/2006/NĐ-CP Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tranh thủ nhiều nguồn viện trợ từ các dự án hợp tác quốc tế để tăng nguồn kinh phí họat động cho ngành. Khuyến khích phát triển các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập.

Ngành Y tế đã chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các bệnh viện có nhiều cải tiến quy trình cấp cứu, khám và điều trị. Hệ thống khoa khám bệnh được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và củng cố cải tiến, hoàn thiện quy trình chuyên môn theo quy định như: khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục khám, vào viện, ra viện, thanh toán viện phí, thanh toán BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin, đã giảm được thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm, thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành tuyến thành phố theo các chuyên đề. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tác động tích cực và hiệu quả đối với việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về y tế, góp phần củng cố kỷ cương trong ngành y tế thành phố và phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn.

* Những hạn chế

- Thứ nhất, một số cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; còn tình trạng khoán trắng trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành y tế. Một số Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu hoạt động không thường xuyên. Sự tham gia của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương chưa thật sự đầy đủ so với chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Thứ hai, về tổ chức, mô hình y tế tuyến huyện có nhiều biến động do chia tách địa giới hành chính nhiều lần trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều đơn vị y tế trên địa bàn cấp huyện cán bộ quản lý nhiều, cán bộ làm chuyên môn thiếu, phân tán nguồn lực, hoạt động hiệu quả chưa cao. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng trong khi khả năng đáp ứng của mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nhất là ở các xã gặp khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế chưa hợp lý. Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở nhất là vùng sâu, vùng xa và một số bệnh viện chuyên khoa hiện nay đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu và phân bổ chưa hợp lý giữa các lĩnh vực, các địa phương; biểu hiện xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một số ít cán bộ, nhân viên ngành y tế vẫn chưa được khắc phục triệt để.

- Thứ ba, việc khám chữa bệnh, phục vụ đối với người tham gia bảo hiểm y tế còn bị phàn nàn nhiều;công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi sức khỏe đã có đổi mới bước đầu, song chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm;trang thiết bị y tế của trạm y tế tuyến xã hiện nay thiếu và lạc hậu, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

*Bài học kinh nghiệm thực tiễn

- Công tác truyền thông phải thực hiện thường xuyên liên tục, đa dạng với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, giúp cho mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng hiểu được kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

- Tuyên truyền, vận động phát huy sự đồng thuận của toàn xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào các chương trình mục tiêu quốc gia bằng những việc làm thiết thực.

- Thường xuyên củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân về chuyên môn, các kỹ năng công tác và y đức.

- Quan tâm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế.

- Thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”

2. Kết luận 118- KL/TW, ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư “về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”

3. Nghị quyết 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”

4. Quyết định số 122/QĐ-TTg, ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Bài: ThS Lê Văn Thảo (BTGTU)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập