Thứ Bảy, ngày 27-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng chống HIV/AIDS: Thách thức và giải pháp phù hợp
[ Cập nhật vào ngày (20/11/2017) ] - [ Số lần xem: 1635 ]
BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ. Ảnh: K.N
BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ. Ảnh: K.N

Mặc dù trong thời gian qua, TP Cần Thơ đã giảm được tốc độ lây lan của HIV, tuy nhiên theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố hiện còn đối mặt với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

Nhân “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 (10/11-10/12)” và “ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS.CKII Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ xoay quanh vấn đề này.

*Trước hết, xin bác sĩ cho biết sơ lược về tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ đầu năm đến nay, nhận định về tình hình dịch có những điểm gì đáng chú ý?

Trong 10 tháng đầu năm, trên phạm vi toàn thành phố đã phát hiện mới 161 người nhiễm HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS là 66 người và số tử vong là 33 người. Tất cả đều giảm so với cùng kỳ năm 2016. Cho đến nay, số người nhiễm HIV báo cáo còn sống trên toàn thành phố là 3.569 người và số người nhiễm HIV đã tử vong là 2.345 người.

Mặc dù trong thời gian qua, Cần Thơ đã có những nỗ lực để khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng, các chương trình can thiệp được triển khai đồng bộ từ dự phòng đến chăm sóc điều trị và có tác động tích cực đến tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn. Tuy nhiên cùng với xu hướng chung, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Cần Thơ có những điểm cần chú ý sau:

- Số người nhiễm HIV phát hiện mới tiếp tục giảm, song mức độ giảm không đáng kể so với cùng kỳ các năm trước đây. Số tử vong trung bình ở mức 30 trường hợp mỗi năm và dự báo sẽ có xu hướng tăng lên do dịch HIV tại Cần Thơ đã lâu năm.

- Hàng năm, thành phố phát hiện thêm khoảng 200 trường hợp nhiễm HIV mới, do đó số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, việc tham gia điều trị ARV vẫn còn hạn chế vì nhiều lý do, đây sẽ là nguồn lây nhiễm rất lớn trong cộng đồng và tác động làm tăng nguy cơ tử vong.

- Lây truyền HIV qua đường tình dục vẫn là xu hướng lây truyền dịch HIV chính. Những người nhiễm HIV mới trong giai đoạn hiện nay không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước đây nữa, mà sự lây nhiễm HIV đã và đang xảy ra nhiều trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV. Đáng chú ý trong những năm gần đây, đang có sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM, đây cũng là nhóm bắc cầu làm lây truyền HIV ra cộng đồng.

Vì vậy, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch, đòi hỏi chúng ta cần phải có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

* Như bác sĩ đã nói việc tham gia điều trị ARV đối với người nhiễm HIV vẫn còn hạn chế vậy thì nguyên nhân, rào cản nào đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS trong thời gian qua?

Với phương châm điều trị cho người nhiễm HIV là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm hiệu quả nhất, thành phố Cần Thơ đã triển khai 07 phòng khám ngoại trú điều trị ARV được phân bố tại các quận huyện, đảm bảo thuận tiện cho người nhiễm HIV trên toàn địa bàn tiếp cận điều trị.

Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của một số dự án tập trung tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, chuyển gửi người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận điều trị; thực hiện việc điều trị ngay theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không kể giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4 là bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 2.100 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV, chiếm 60% số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống trên địa bàn.

Nguyên nhân chính là do người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn công khai bản thân mình bị nhiễm HIV; không muốn tiếp xúc với người lạ; không muốn tiếp cận với cán bộ y tế để được điều trị ARV. Một số người mới nhiễm HIV/AIDS cảm thấy sức khỏe vẫn tốt nên chưa thấy cần thiết phải điều trị. Một số khác do phải làm ăn xa nên họ thường xuyên vắng mặt tại địa phương, dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, do phải đảm bảo tính bí mật cho bệnh nhân nên việc tiếp cận của cán bộ y tế với số bệnh nhân chưa điều trị đang sinh hoạt bình thường trong cộng đồng rất khó khăn, họ không muốn những người xung quanh biết mình đang mắc bệnh, kể cả người thân trong gia đình họ, và trong đó cũng có nhiều trường hợp chọn đi tỉnh khác để điều trị vì lo sợ lộ thông tin khi điều trị tại địa phương.

Mặt khác, từ cuối năm 2016 Cần Thơ đã hoàn tất lộ trình kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS; chuyển các Phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện vào bệnh viện để triển khai hoạt động khám chữa bệnh HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế. Việc chuyển đổi mô hình, quy trình khám chữa bệnh, cũng như sự thay đổi về những chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ, gây ra những khó khăn nhất thời trong quá trình tiếp cận điều trị, góp phần làm tăng tỷ lệ bỏ trị.

* Ngoài khoảng trống như trên đã phân tích, theo bác sĩ, công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay cũng như trong giai đoạn tới còn những khó khăn, thách thức lớn nào cần quan tâm và giải pháp trước mắt của công tác này?

Hiện nay, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Cần Thơ tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Điều trị ARV mới tiếp cận được khoảng 60% số người nhiễm HIV được phát hiện. Điều trị Methadone mới chỉ đạt được 70% chỉ tiêu thành phố giao. Trong khi đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, kinh phí viện trợ liên tục bị cắt giảm, chủ yếu sử dụng ngân sách của thành phố.

Giải pháp trước tiên là tập trung nguồn lực để duy trì thực hiện các hoạt động then chốt, nhất là các hoạt động tuyến quận/huyện và phường/xã. Nhanh chóng chuyển đổi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang hình thức lồng ghép, dựa vào ngân sách của địa phương và bảo hiểm y tế nhằm dồn tổng lực để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, trong thời gian tới nhằm tăng số người nhiễm HIV phát hiện mới, cần tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động như: tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm tại cộng đồng... Tăng cường các hoạt động truyền thông để cung cấp thông tin, quảng bá dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục duy trì có chất lượng hoạt động tiếp cận cộng đồng để tập trung can thiệp vào các nhóm nguy cơ cao.

Để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV vào năm 2020, cần tăng cường các hoạt động rà soát, tìm kiếm, tiếp cận và tư vấn các trường hợp người nhiễm HIV còn ngoài cộng đồng để mua bảo hiểm y tế cho họ và đưa họ vào điều trị. Tăng cường năng lực cho đội ngũ tư vấn viên để tư vấn bệnh nhân tuân thủ điều trị, giảm các trường hợp bỏ trị; đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự mới tại các bệnh viện, đảm bảo chất lượng khám và điều trị HIV/AIDS.

Một khó khăn, thách thức khác, đó là mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp. Trong năm 2017 và các năm trước đây, các chi phí liên quan đến xét nghiệm tải lượng vi rút cho bệnh nhân được hỗ trợ từ các nguồn lực hợp tác quốc tế, nhưng từ năm 2018 trở đi, các dự án sẽ không còn hỗ trợ các chi phí liên quan đến xét nghiệm tải lượng vi rút. Các chi phí này là rất lớn, kinh phí địa phương không thể đáp ứng. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc đánh giá chất lượng điều trị cũng như đánh giá mục tiêu 90 thứ ba trong thời gian tới.

Về chương trình điều trị Methadone: Triển khai điều trị và cấp phát thuốc tại tất cả các quận, huyện; có kế hoạch phối hợp với Công an thành phố điều trị Methadone trong trại giam. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người nghiện chích ma túy tham gia và duy trì điều trị; giám sát hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật thường xuyên và đột xuất các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone để nâng cao chất lượng điều trị.

*Xin cảm ơn bác sĩ!

Hương Giang (thực hiện)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập