Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
[ Cập nhật vào ngày (30/09/2014) ] - [ Số lần xem: 582 ]

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) của toàn thành phố tính từ đầu năm 2014 đến ngày 12/9 là 741 ca, tăng 142 ca so với cùng kỳ năm trước, không có ca tử vong. Theo các bác sĩ, hiện nay bệnh TCM đang bước vào mùa cao điểm (từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm). Thời gian này cũng là lúc trẻ nhập học trở lại, do đó, phụ huynh và nhà trường cần hết sức quan tâm đến các biện pháp phòng bệnh, theo dõi sức khỏe của trẻ để ngăn ngừa bệnh lây lan, bùng phát thành dịch.

Không nên chủ quan!

Chiều ngày 12/9/2014, bé Nguyễn Minh Luân (22 tháng tuổi, ở Bình Tân, Vĩnh Long) được chuyển đến buồng điều trị nội trú bệnh TCM của Khoa Truyền Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ sau hơn ba ngày nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) của bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, mẹ bệnh nhi Luân, cho biết: “Bé mắc bệnh TCM hồi tháng 5 vừa qua, lần mắc lại này nặng hơn. Tôi chưa biết bé bị lây bệnh như thế nào vì tôi chưa gửi bé đi nhà trẻ, trong xóm cũng không có trẻ nào bị bệnh TCM. Ở nhà, tôi chăm bé rất kỹ, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, chỉ có điều khu vực nhà tôi chưa có nước máy nên phải lấy nước sông lắng phèn để sử dụng”.  

w_PHONG BENH TAY CHAN MIENGJ CHO TRE.jpg
Phụ huynh đưa trẻ bị bệnh TCM đến điều trị tại BVNĐ TP Cần Thơ.

Nằm cùng buồng bệnh với bé Luân là bé Trà My, 5 tháng tuổi (ở thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang). Bé bị biến chứng do bệnh TCM. Chị L.T.L.Hằng, mẹ bé Trà My, kể lại: “Ngày 9/9/2014, bé bị nổi hồng ban trên bụng, sốt 38,5 độ, tôi đã đưa bé đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh TCM độ 1 và cho điều trị ngoại trú và dặn nếu có dấu hiệu nặng thì cho bé nhập viện ngay. Đêm đó, bé giật mình nhiều lần và luôn quấy khóc. Hôm sau, gia đình đưa bé nhập viện. Bác sĩ khám và chuyển thẳng vào Khoa ICU điều trị hơn hai ngày mới chuyển xuống khoa này”. Chị Hằng cho biết chị và bà ngoại trực tiếp chăm sóc bé ở nhà, luôn chú ý giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống cho bé và hạn chế cho bé tiếp xúc với người lạ nhưng không hiểu sao bé vẫn bị lây bệnh.

Theo báo cáo của BVNĐ TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2014, bệnh viện điều trị nội trú cho 1.850 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó 29 ca ở độ 2B và 106 ca ở độ 3 và độ 4. Theo bác sĩ CKII Trần Châu, Phó Giám đốc BVNĐ TP Cần Thơ, bệnh TCM gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Virus gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Trẻ em dễ bị lây nhiễm bệnh vì kháng thể kém hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Những trẻ từng bị bệnh TCM vẫn có thể mắc lại do nhiễm nhiều chủng virus khác nhau.

“Nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng để phòng bệnh thì chăm sóc, giữ vệ sinh tốt cho trẻ là đủ rồi, nhưng lại không chú ý đến những thói quen nhỏ trong cuộc sống có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ, như: cha mẹ đi làm về, chưa kịp rửa tay, tắm rửa thì đã ôm hôn con, trong khi trước đó cha mẹ có thể đã tiếp xúc với mầm bệnh ở nơi nào đó hoặc bế nựng các trẻ khác mà không biết trẻ đó có mắc bệnh hay không”. Thạc sĩ - bác sĩ Thái Thanh Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết thêm.

Phòng bệnh trong gia đình và trường học


Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc xin - sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: Từ đầu năm 2014 đến ngày 12/9, toàn thành phố phát hiện 9 ổ dịch TCM, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả ổ dịch xảy ra ở cộng đồng và không có trong trường học. Tuy nhiên, môi trường trong trường học vẫn có nguy cơ lây bệnh TCM rất cao nếu không thực hiện tốt các biện pháp dự phòng. Khi đi học, trẻ tiếp xúc nhiều với đồ chơi, bàn ghế và vật dụng trong phòng... nhưng không phải trẻ nào cũng có thói quen rửa tay ở trường nên khả năng trẻ mắc bệnh do lây nhiễm virus, vi khuẩn từ tay qua miệng vào cơ thể là rất cao.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Tuấn, để phòng bệnh TCM cho trẻ tại trường và gia đình cần luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ; người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn, sau khi thay tã cho trẻ; khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc hóa chất khử khuẩn Cloramin B; thực hiện ăn chín, uống sôi, không cho trẻ ăn chung thìa, bát. Giáo viên cần giúp học sinh thực hành và xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh...
Theo các bác sĩ, bệnh TCM có các biểu hiện: sốt, tổn thương niêm mạc miệng, nổi bỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối… Đa số các trường hợp mắc bệnh TCM là độ nhẹ, có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, đôi khi bệnh không có biểu hiện triệu chứng điển hình mà chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn hoặc xuất hiện vết loét nhỏ trong miệng. Bệnh cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp,... Do vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm theo dõi sức khỏe của trẻ. Trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh trở nặng như: sốt cao liên tục trên 390C, bứt rứt, quấy khóc nhiều, ngủ li bì, giật mình hốt hoảng, run giật tay chân, hôn mê, nôn ói nhiều... phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Trong trường học, hàng ngày, các cô giáo khi nhận trẻ cần kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi vào lớp, nếu thấy dấu hiệu trên cần thông báo gia đình biết để sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị cũng như tránh lây lan bệnh cho các trẻ khác  cùng lớp.
Bài, ảnh: Nguyệt Hương




Đường dây nóng




Số lượng truy cập